Trong dịp khai giảng năm học mới 2016-2017, nhiều người quan tâm bàn luận về việc không tổ chức dạy thêm. Có người cho rằng với chủ trương này TPHCM thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn dạy thêm, học thêm đến nơi đến chốn. Người khác lại cho rằng “như thế thì nặng tay quá!”.
UBND TP chỉ đạo kể từ năm học 2016-2017, chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trường. Ảnh minh họa. Nguồn: T.L
Theo dõi dòng chảy của dư luận về việc không tổ chức dạy thêm, có thể thấy chỉ đạo của UBND TPHCM về việc này đã được ngành giáo dục TP quán triệt khá kỹ. Chủ trương này như một luồng gió mới, được nhiều phụ huynh đón nhận với sự đồng tình. Song cũng có ý kiến trái chiều. Nhiều thầy cô cũng cho rằng dạy thêm là vì học trò chứ không phải vấn đề thu nhập.
Cũng khá thuyết phục khi có người biện bạch rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, không thể cấm, còn những hiện tượng xấu ép buộc học thêm chỉ là con số nhỏ. Thật ra không nên có cách nghĩ đơn giản như vậy. Đương nhiên không thể so bì giữa nhà giáo và ca sĩ, có nhiều điều nhà giáo không thể và không nên làm như ca sĩ trong cách ăn mặc, phát ngôn và hành xử. Những hệ lụy về chuyện dạy thêm, học thêm thì lâu nay ai cũng thấy và đã có nhiều ý kiến lên tiếng, phản ánh rồi.
Có một điều ít ai để ý: Hiện nay, bàn chuyện dạy thêm, học thêm đều là người ngoài cuộc, trong khi đối tượng chính lại chưa hề cất lên tiếng nói qua kênh thông tin nào. Đứng trước cổng trường giờ tan trường, trước các lớp dạy thêm mỗi tối, gặp gỡ nhiều học sinh, mới thấy vẻ mệt mỏi hiện trên khuôn mặt sau 8 tiếng học ở trường là 4 tiếng “chạy sô” học thêm lớp này qua lớp khác. Đối với các lớp cuối cấp (lớp 9 và 12), tốc độ di chuyển chạy sô còn nhanh hơn, nhiều hơn, dày đặc hơn. Có ý kiến cho rằng nói tệ nạn ép học sinh học thêm chỉ là cá biệt, vậy mà mấy năm trước, năm nào mới vào năm học là nhiều trường đã bắt các em phải làm bài kiểm tra khảo sát trình độ. Toàn những bài kiểm tra kiến thức chưa học thì sao làm được! Và rồi có thông tin truyền tai, giới thiệu lớp thầy X, cô Y dạy thêm. Phụ huynh hoang mang, lo lắng và đành ngậm bồ hòn “yêu lấy thầy” để con được yên thân.
Tôi và nhiều phụ huynh đã có nhiều năm đưa đón con học thêm, nên rất đồng tình chủ trương không tổ chức dạy thêm và tin chắc các em học sinh cũng ủng hộ chủ trương này. Tôi cũng xin góp ý thêm: Ngành giáo dục nên giảm tải chương trình, đổi mới cách ra đề, kiểm tra. Các thầy cô, nhất là các thầy cô hiệu trưởng, thương học sinh thì nên ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: Cấm tuyệt đối những tiêu cực trong dạy thêm như mang kiến thức chính khóa về dạy ở lớp học thêm hoặc dạy thêm những kiến thức nâng cao để khi kiểm tra thì lại ra đề vào phần kiến thức đó. Nếu làm được như vậy, tin chắc rằng chủ trương không tổ chức dạy thêm sẽ là tin vui cho nhiều phụ huynh cũng như học sinh và là tâm nguyện của nhiều thầy cô hết lòng vì các em.
YẾN NHI (quận 5, TPHCM)