Cấp cứu bằng trực thăng

Khi bệnh nhân bị tai nạn cần chuyển bệnh viện tuyến trên cấp cứu gấp nhưng lại ở những khu vực xa xôi, trở ngại về giao thông, phương án tối ưu là sử dụng trực thăng. Đây là chuyện bình thường ở nhiều nước, nhưng ở nước ta vẫn khó có thể thực hiện, cho dù có tiền để trả chi phí.

Khi bệnh nhân bị tai nạn cần chuyển bệnh viện tuyến trên cấp cứu gấp nhưng lại ở những khu vực xa xôi, trở ngại về giao thông, phương án tối ưu là sử dụng trực thăng. Đây là chuyện bình thường ở nhiều nước, nhưng ở nước ta vẫn khó có thể thực hiện, cho dù có tiền để trả chi phí.

Thật ra trong thời gian qua đã có vài trường hợp bệnh nhân được chở đi cấp cứu bằng trực thăng, nhưng đó chỉ là cá biệt, và qua đó đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trước đây, từng có một kỹ sư người Nhật leo núi tại Sơn La, bị ngã gãy xương cổ. Nhờ có trực thăng vận chuyển cấp cứu mà nạn nhân được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều ổn như vậy.

Ngày 10-8-2012, giáo viên Trần Thị Thảo (ngụ tại TP Hà Tĩnh) bị xe tải cán dập nát chân phải. Sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, gia đình chị Thảo đã liên hệ với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam để chuyển chị Thảo ra Hà Nội cứu chữa. Đáng tiếc là dù vận chuyển bằng trực thăng nhưng vẫn mất quá nhiều thời gian, từ lúc bị nạn đến lúc chuyển ra đến Hà Nội mất tới 15 tiếng, nên chân chị Thảo đã bị hoại tử, đành phải cắt bỏ. Hoặc mới đây, một cán bộ ở Cần Thơ bị đột quỵ đã được vận chuyển bằng trực thăng về TPHCM, tuy nhiên trực thăng không thể đưa trực tiếp đến Bệnh viện Chợ Rẫy mà phải đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó lại còn mất thêm thời gian vận chuyển bằng xe cấp cứu mới đến được bệnh viện.

Ở nước ta, việc đưa dịch vụ máy bay trực thăng thương mại làm du lịch và cấp cứu đã ra đời từ nhiều năm, thế nhưng đến nay vẫn còn khá lạ lẫm. Chi phí vận chuyển bằng trực thăng còn quá cao so với thu nhập của người dân, giá thuê trực thăng đến 8.000 USD/1 giờ bay. Nguyên nhân chủ yếu là việc làm thủ tục cấp phép đường bay, cất cánh, hạ cánh còn vướng nhiều quy định. Thường thì muốn duyệt xong hồ sơ, phải mất đến… 2 ngày (trừ những trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, hầu hết các bệnh viện hiện chưa có bãi đáp đáp ứng được việc đưa và tiếp nhận bệnh nhân từ trực thăng cấp cứu.

Cấp cứu bằng trực thăng có nhiều thuận lợi, do đó, ngành y tế nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện phương án vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng, đầu tư trực thăng chuyên dụng cho việc cấp cứu bệnh nhân nhằm chủ động ứng phó những tình huống xảy ra thảm họa. Trong điều kiện các bệnh viện thiếu bãi đáp trực thăng, nên cho phép tổ chức liên kết với ngành TDTT để có thể trưng dụng đột xuất các sân vận động làm bãi đáp khi có trường hợp vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục