Cáp viễn thông - Ai chịu trách nhiệm khi có sự cố ?

Cáp viễn thông - Ai chịu trách nhiệm khi có sự cố ?
Cáp viễn thông - Ai chịu trách nhiệm khi có sự cố ? ảnh 1

Vào 14 giờ ngày 11-9, sau cơn gió nhẹ, một trụ điện bằng sắt 4 chân dài khoảng 8m trên đường Lò Gốm, sát cầu Hậu Giang, đã bị “đột quị” nằm trên mặt đường (ảnh).

Tại hiện trường, nhiều sợi cáp viễn thông nằm la liệt vắt ngang vắt dọc. Theo ông Ngô Văn Lý, Phó Giám đốc Điện lực Bình Phú, nguyên nhân do một đơn vị viễn thông thi công kéo 2 sợi cáp có ký hiệu 2006 Postef CCP-JF LAP-SS treo lên trụ điện này để băng qua đường Hậu Giang thành góc 90 độ đã tạo lực căng gây ra sự cố.

Điều đáng nói khi thi công, đơn vị thi công không hề đăng ký công tác và thỏa hiệp thi công với Điện lực Bình Phú. Hiện chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm. 

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, mạng cáp viễn thông đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Việc giăng mắc đường dây bất chấp an toàn không những làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

Ngày 16-12-2005, xe công-te-nơ kéo đứt cáp viễn thông gây tắc nghẽn giao thông tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Trần Đình Xu hoặc trường hợp ngã đổ trụ cáp viễn thông gây chết hai công nhân của SCTV tại góc đường số 11 và số 2 cư xá đài ra đa Phú Lâm vào ngày 16-5-2005 và nhiều trường hợp khác nữa, đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh ngành viễn thông.

Một người dân trên đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh) hết sức ngán ngẩm chỉ cho chúng tôi xem mạng viễn thông trên đường này. Từ giao lộ Phan Đăng Lưu đến giao lộ Lê Quang Định, cả hai bên đường, mạng cáp viễn thông được giăng chằng chịt, có chỗ rất thấp chỉ cách đầu người khoảng 10cm. Ăn theo mạng cáp này là hàng trăm dây điện thoại tạo thành một mớ bùng nhùng trông rất phản cảm. 

Hiện nay, mạng viễn thông có cáp bám theo trụ điện được ghi nhận là của các công ty, như VNPT, FPT, SPT, Viettel, E Tel... Bao nhiêu đơn vị đó với số lượng cáp chằng chịt nằm trên trụ điện cộng thêm hàng loạt dây điện thoại, dây truyền hình cáp của các đơn vị truyền hình, khó ai có thể phân biệt đường dây nào là của ai.

Vì thế người dân cũng như các ngành liên quan trong một thời gian ngắn khó có thể truy tìm ra thủ phạm. Theo ý kiến của nhiều người dân, khi có sự cố về cáp viễn thông thì không biết kêu “ai” vì có gọi đến, các đơn vị thường đổ thừa cho nhau.

Thiết tưởng đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần có biện pháp hữu hiệu nhằm chế tài các trường hợp thiếu an toàn mà các đơn vị viễn thông gây ra. Đồng thời cũng nên có quy định ràng buộc cụ thể, giúp người dân và cơ quan chức năng phát hiện đúng chủ nhân của đường dây một cách dễ dàng, nhanh chóng, tránh việc chối bỏ trách nhiệm trước sự cố xảy ra.

LÊ DU AN

Tin cùng chuyên mục