Cắt giảm đầu tư công - Chưa như mong đợi

Vẫn chưa quyết liệt!
Cắt giảm đầu tư công - Chưa như mong đợi

Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã cắt giảm được 172 dự án khởi công mới, 53 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cắt giảm từ nguồn ngân sách nhà nước là 899,4 tỷ đồng. Có 280 dự án đã được các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương điều chuyển vốn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cắt giảm 880 dự án khởi công mới và 604 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 4.229 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đã rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án với tổng số vốn trên 39.212 tỷ đồng.

Vẫn chưa quyết liệt!

TPHCM đã cắt giảm nhiều dự án chưa thật cần thiết, dành vốn ưu tiên các công trình dân sinh thiết yếu. Trong ảnh: Thi công cầu Rạch Chiếc. Ảnh: THANH TÂM

TPHCM đã cắt giảm nhiều dự án chưa thật cần thiết, dành vốn ưu tiên các công trình dân sinh thiết yếu. Trong ảnh: Thi công cầu Rạch Chiếc. Ảnh: THANH TÂM

Những thông tin trên được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 4-2011 của Chính phủ. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết, vẫn còn 5 đơn vị ở trung ương, 23 địa phương chưa gửi báo cáo về rà soát, cắt giảm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tới Bộ KH-ĐT.

So sánh với kết quả được tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 3 trước đó, có thể thấy việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH-ĐT thẳng thắn cho rằng, kết quả này chưa thể coi là đạt yêu cầu. Báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ: Bộ Y tế đã phân bổ 2 dự án khởi công mới không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011, tổng trị giá 15 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng chưa có điều chỉnh, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Bộ Công an bố trí vốn 2 dự án chuyển tiếp và chưa có điều chuyển vốn. Về phía các địa phương, không có tỉnh thành nào đề nghị cắt giảm dự án khởi công mới; còn đối với các dự án chuyển tiếp thì mới xác định đình hoãn, điều chuyển 758 tỷ đồng của 81 dự án - một kết quả có thể coi là khá khiêm tốn. Cá biệt, có địa phương vẫn đề nghị tăng thêm vốn xây dựng trụ sở mới, dự án chưa thực sự cấp bách (chẳng hạn như một công trình xây dựng tượng đài có tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng ở tỉnh Gia Lai)…

Nhiều công trình giao thông tại TPHCM phục vụ tốt đời sống dân sinh (Ảnh quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc qua quận Bình Tân). Ảnh: THÀNH TÂM

Nhiều công trình giao thông tại TPHCM phục vụ tốt đời sống dân sinh (Ảnh quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc qua quận Bình Tân). Ảnh: THÀNH TÂM

Bên cạnh đó, các địa phương cũng mới tập trung triển khai rà soát, điều chuyển vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn vốn đầu tư khác như trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư nhà nước, xổ số kiến thiết, vốn vay… chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bộ KH-ĐT, nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết 11, chỉ trừ các dự án cấp bách, phòng chống hậu quả thiên tai lũ lụt, các dự án trọng điểm quốc gia, dự án có sử dụng vốn ODA, còn tất cả các dự án khởi công mới trong năm nay (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) đều phải dừng lại để điều chuyển vốn sang các dự án sắp hoàn thành hoặc cấp bách hơn. Tuy nhiên, thực tế qua tổng hợp mới chỉ cắt giảm được 1.052 dự án khởi công mới với số vốn 3.452,8 tỷ đồng, bằng 21% về số dự án và bằng 23,5% vốn kế hoạch năm 2011 bố trí cho các dự án khởi công mới.

Tất nhiên, như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, những yêu cầu nào hợp lý của địa phương vẫn được đáp ứng. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép tiếp tục thực hiện với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, như 135, 30a hay một số dự án cấp bách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số trường hợp cụ thể khác, đơn cử như dự án xây dựng trung tâm tim mạch cho trẻ em, cũng được kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Cần dẹp bỏ tâm lý “nhìn nhau mà cắt”

Tại hội nghị công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cuối tuần trước, PGS-TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét mặc dù việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có bước tiến mới song vẫn cần tiếp tục cảnh giác với “nỗi luyến tiếc” còn rơi rớt lại. Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Vấn đề ở chỗ, nếu vẫn chùng chình, “nhìn trước ngó sau”, chờ đợi bộ ngành khác, địa phương khác cắt giảm trước chứ không phải mình… thì không dễ gì các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực thi.

Chính vì vậy, nhiều chế tài mạnh mẽ đã được Bộ KH-ĐT khuyến nghị chẳng hạn như đến ngày 31-5-2011, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc rà soát cắt giảm vốn đầu tư theo Nghị quyết 11. Sau thời điểm này, nếu không cắt giảm, điều chuyển hết số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới thì kiến nghị thu hồi về ngân sách trung ương phần vốn thuộc ngân sách trung ương. Một kiến nghị khác là việc thu hồi toàn bộ số vốn bố trí sai mục tiêu, vốn đã phân bổ cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; các dự án đầu tư kém hiệu quả; các dự án được bố trí kế hoạch vốn nhiều năm nhưng triển khai quá chậm…

Cuối cùng, cần nói thêm rằng, xét về tỷ lệ vốn đầu tư/ GDP, Chính phủ Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn nhất so với chính phủ các nước Đông Á và Đông Nam Á. Mỗi năm, đầu tư công của Việt Nam bằng khoảng 17%-20% GDP. Tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều (mức trung bình là dưới 5%, tại Trung Quốc là 3,5%, Indonesia 1,6%)…

Theo các chuyên gia kinh tế, xu thế hiện nay là “chặn” bớt dòng đầu tư công chảy vào nền kinh tế đồng thời với việc khơi thông các luồng vốn xã hội hóa, nhằm tập trung nguồn lực công giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục