
Bài 1: Cha và con
Thời điểm kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không còn bao xa, chúng tôi lên Điện Biên. Hết địa phận Sơn La là những đoạn đường quanh co, những cua gấp đột ngột, mặt đường nhiều nơi còn đang thi công bụi bốc mù mịt. Qua đèo Pha Đin dài tới 32 cây số, lòng xúc động nhớ lại kỳ tích kéo pháo đánh trận Điện Biên của các thế hệ cha anh. Hai bên đường, hoa ban nở trắng xóa, là điểm nhấn mềm mại tuyệt đẹp giữa những dải núi đá thâm nghiêm.
Từ TP Điện Biên, vượt tiếp gần 30 cây số đường núi quanh co, chúng tôi đến xã Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên - nơi hơn nửa thế kỷ trước đặt Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên, nơi có căn hầm của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Cụ Lò Văn Bóng nhận quà từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng về thăm chiến trường xưa. Ảnh: MINH ĐIỀN
Cụ Lò Văn Bóng sinh năm 1922, năm nay đã 87 tuổi. Chống gậy lững thững, cụ và người con trai là anh Lò Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng đưa chúng tôi về chơi nhà. Căn nhà sàn bình dị giống như những ngôi nhà sàn người Thái trong khu vực này, được che mát bởi những tán cây xanh.
Trước đó, chúng tôi từng nghe rằng, cụ Bóng là người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ giữ rừng Mường Phăng. Đồng thời cũng được biết cụ là người trong nhiều năm kiên quyết tố giác những kẻ chặt rừng, xâm phạm khu di tích Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên.
Con người nổi tiếng này đang ngồi trước mặt chúng tôi, gầy gò, mắt đã kém, những ngón tay xương xẩu và trên gương mặt là những nếp nhăn kéo dài - vết tích của thời gian và những nghĩ suy. Chúng tôi hỏi:
- Dạo đánh Điện Biên Phủ, cụ có thường xuyên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?
Cụ Bóng nói ngay:
- Gặp thế nào được. Bác Giáp ở sâu trong rừng, bí mật lắm. Biết bao nhiêu người bảo vệ, không gặp được đâu, chỉ gặp được cán bộ “chân rết” thôi.
- Thế Đại tướng giao cho bác nhiệm vụ giữ rừng Mường Phăng từ khi nào? Chúng tôi hỏi tiếp.
- Đại tướng không trực tiếp giao cho tôi giữ rừng Mường Phăng đâu. Mãi sau khi giải phóng rồi, khi ấy Đại tướng trở về Hà Nội, chúng tôi mới được nhìn thấy Đại tướng từ xa. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, Đại tướng lên đây, tôi mới được vinh dự gặp ông. Lại được ông cho quà nữa. Cảm động lắm.
Thế ra, việc cụ Bóng đấu tranh với những người xấu để giữ rừng Mường Phăng không phải do cụ nhận lệnh từ chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời đồn đại, mà từ ý thức trách nhiệm của một công dân. Cụ Bóng đấu tranh giữ rừng Mường Phăng với tinh thần của một người chiến sĩ Điện Biên.
Ngược dòng thời gian, năm 1952, chàng trai Lò Văn Bóng tham gia tự vệ xã. Năm 1953, lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên, lúc đó anh Bóng được tổ chức cử làm công an xã. Cụ Bóng nhớ lại, trước khi tham gia tự vệ, gia đình rất nghèo, đi làm thuê tối ngày vẫn không đủ sống. Đói rét thường xuyên.
Khi được tổ chức tin cậy giao nhiệm vụ thì thích lắm. Tổ công tác gồm trên chục đồng chí, “nay chết cả rồi, không còn ai nữa đâu, chỉ còn một mình tôi thôi”, cụ Bóng bồi hồi nhớ lại. Những năm đó, cả UB hành chính kháng chiến huyện, UB hành chính kháng chiến tỉnh, cả Chỉ huy sở chiến dịch cũng đóng ở Mường Phăng, nên công tác bảo vệ được làm rất nghiêm ngặt.
“Chúng tôi trực ngày trực đêm. May là không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Sở chỉ huy vì thế cũng an tâm. Còn chúng tôi vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ”, cụ Bóng nói một cách giản dị.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cụ Bóng không thoát ly mà ở lại xã. Làm phó chủ tịch xã 2 năm, rồi làm chủ tịch xã 2 năm, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã 13 năm. Được biết, cụ Bóng là 1 trong 2 bí thư Đảng ủy xã có thời gian làm việc lâu nhất của huyện Điện Biên. Năm nay, cụ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Hỏi chuyện cụ về tình hình đời sống người dân, cụ nói:
- Bây giờ sướng gấp nghìn lần ngày còn giặc Pháp ấy chứ. Ai tỉnh táo, ai biết làm ăn thì khá rồi. Nhưng tôi cũng buồn là còn một số thanh niên nghiện hút, chơi bời hư hỏng. Ruộng dất có nhưng lại bán đi, không chịu làm. Chúng nó rồi đến chết đói mất thôi. Bây giờ Mường Phăng đông người quá, nên cũng phức tạp hơn. Bây giờ cuộc sống đi lên, nhưng tôi vẫn trăn trở lắm.
Quay lại chuyện giữ rừng, cụ Bóng kể:
- Hồi đó Mường Phăng này rậm rạp lắm. Chưa có đường như bây giờ. Chỉ có 2 con đường mòn kéo pháo, mà cũng là đi xuyên trong rừng. Cả xã rộng thế mà chỉ có 800 người dân. Cây nhiều lắm, thú rừng nhiều lắm. Bây giờ người đông lên rồi, làm nhà nhiều quá, chặt gỗ nhiều quá rừng gần hết rồi. Kể cả rừng trong bản Phăng nơi có hầm Đại tướng cũng bị người xấu chặt đấy.
Khi còn tỉnh Lai Châu (Điện Biên và Lai Châu chưa tách làm hai), người ta cho lâm trường khai thác mạnh quá, như thế là có khuyết điểm đấy. Gỗ chặt xuống nhiều quá, không vận chuyển đi hết, để mục cả ra. Phí lắm!
Cùng ngồi nói chuyện với chúng tôi, còn có người con trai cụ Bóng, anh Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng. Hai cha con, người làm Bí thư trước, người làm Bí thư sau, mỗi thời mỗi khác, mỗi thời có cái khó của nó, và vì thế mỗi người cũng có tâm tư riêng. Hỏi anh Biên, anh tiếp thu được ở cha điều gì lớn nhất, anh nói:
- Bố tôi rất thương các con, lo cho gia đình nhưng còn làm việc xã hội nhiều hơn. Khi đi làm đã đành, già rồi, sức yếu, đi lại phải chống gậy nhưng vẫn lo việc xã.
Nghe con nói, cụ Bóng ngắt lời:
- Tuổi nào mà chẳng làm việc. Không làm được gì thì cũng phải nói được chứ. Nói để nó tốt lên. Về cái vụ chặt rừng, không đấu tranh mà còn được như bây giờ à? Này, tôi nói cho biết nhé, cán bộ, đảng viên mà cũng đi chặt gỗ là không được. Làm như thế thì không giữ được rừng. Cứ có chức, có quyền là đổ xô đi chặt gỗ trên rừng là không được. Tôi già rồi, không tự mình giữ được rừng nhưng tôi còn nói được. Gặp cấp nào tôi cũng nói.
Nhìn ông cụ bé nhỏ nhưng giọng nói rất rõ ràng, kiên quyết, chúng tôi cũng hình dung được phần nào cuộc đấu tranh giữ rừng của ông. Diện tích đất rừng che phủ của Mường Phăng hiện còn 47%, trong đó có công đóng góp của nhiều người, nhưng không thể không nói đến cụ Bóng. Thái độ giữ rừng của cụ Bóng kiên quyết đến nỗi nhiều người không khỏi ái ngại cho cụ. Lắm khi, cuộc đấu tranh rơi vào thế đơn độc, không khỏi có lúc bị cô lập. N
hưng dù thế, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa không hề nao núng. Trước đây, cụ Bóng đã cùng với một số cụ cao niên trong xã đến tận ao của một số hộ, vớt gỗ giấu dưới đó lên, báo với xã, khiến cho khối kẻ vừa sợ vừa tức. Nay già yếu rồi, không đi kiểm tra được nữa, nhưng vẫn phản ánh tình hình với những người có trách nhiệm mà cụ tin cậy.
Nhìn sang người con, cụ Bóng nói:
- Con trai tôi bây giờ là Bí thư Đảng ủy xã, nhưng một mình nó không làm được gì đâu. Phải làm cho mọi người có ý thức cùng bảo vệ rừng mới được. Rừng bản Phăng là nơi có hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, càng phải giữ cho tốt. Cả nước mình chỉ có rừng bản Phăng là có Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên thôi. Rừng bản Phăng ngày trước bảo vệ Đại tướng, bảo vệ chiến sĩ của mình đấy. Bây giờ không đánh nhau nữa, nhưng vẫn phải giữ rừng.

Một góc Mường Phăng ngày nay.
Nghỉ một lát, cụ Bóng lại nói:
- Biên à, đấu tranh một mình là không được đâu!
- Sao lại một mình? Người con hỏi cha. Nhưng bây giờ khó hơn trước, phải có phương pháp.
Nghe vậy, cụ Bóng gắt luôn:
- Phương pháp gì? Bây giờ không ít người nói thì hay, nhưng gỗ với tiền thì cứ nuốt vào bụng là không hay đâu. Làm cán bộ mà tham thì nói được ai. Tôi ức lắm! Có chức, có quyền chỉ thu vén cho cá nhân là không được.
Nói tới đó, cụ Bóng bỗng giơ một cánh tay lên chém gió, giọng rất đanh thép:
- Tôi nói sai tôi chết ngay! Tôi xin thề! Tôi già rồi, chỉ nay mai là chết thôi. Nhưng tôi còn sống còn đấu tranh. Đấu tranh đến chết thì thôi. Cuộc sống bây giờ hiện đại rồi nhưng vẫn phải giữ lấy rừng. Tôi đề nghị, chỗ gần khu di tích Chỉ huy sở, phải rút dân ra khỏi khu vực quanh đó, để người ta không vào rừng chặt gỗ được. Chính quyền phải cho người đi kiểm tra các cái ao, vì tối nó lên rừng chặt gỗ kéo về giấu ở đấy. Cứ kiểm tra các cái ao ấy là bắt được bọn phá rừng thôi.
Tất nhiên tình hình chặt phá rừng ở Mường Phăng bây giờ không còn nghiêm trọng như trước, khi vào cái thời cụ Bóng còn sức lội xuống ao kéo gỗ của bọn chặt trộm lên bờ, báo với ủy ban xã. Nhưng cụ Bóng vẫn lo lắm. Cụ lo những người sau này chỉ vì lợi nhuận mà không giữ rừng, không bảo vệ di tích kháng chiến.
Khi chia tay chúng tôi, cụ Bóng đồng ý rằng, đấu tranh bây giờ khó hơn cái thời cụ còn làm việc, vì theo cách lý giải của cụ thì quyền lợi cá nhân trong mỗi con người thời này cao quá, tính lý tưởng, tính kỷ luật không bằng những người đã vào sinh ra tử, nhưng cụ vẫn khẳng định tiếp tục bảo vệ rừng. Cụ Bóng nói:
- Hai bố con tôi cùng đấu tranh, cùng bảo vệ rừng. May mà tỉnh biết, cấp trên biết, không thì thằng Biên nhà tôi cũng “xuống suối” rồi!
Hai bố con, hai Bí thư Đảng ủy xã, người trước người sau, mỗi người đối diện một hoàn cảnh khác nhau và cách làm việc cũng khác nhau, nhưng mục đích thì giống nhau và rất có thể tinh thần cũng giống nhau. Đó là điều rất dễ nhận thấy trong câu chuyện của họ, vào một buổi trưa Mường Phăng nắng gắt, cho dù mới ở nửa cuối tháng ba.
Bài 2: Ngày mới
Tại khu nhà làm việc của xã Mường Phăng, anh Lò Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã và anh Lường Văn Bình - thường trực Đảng ủy xã tiếp chúng tôi. Anh Biên sinh năm 1957, có nghĩa là sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc 3 năm. Ký ức trận mạc trong anh không rõ rệt, nhưng khi nói về khu di tích Chỉ huy sở Chiến dịch Điện Biên Phủ thì anh rất hào hứng. Anh Biên kể:

Tôi sinh ra ở Mường Phăng này nhưng mãi đến năm học lớp 3 mới được thầy cô giáo cho đến thăm khu vực Chỉ huy sở chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc ấy rừng rậm rạp lắm, vào được đến hầm của bác Giáp rất khó. Cột chống chạy dọc dưới lòng đất hơn 60 mét, đều bằng gỗ. Cửa hầm bị sập, trong hầm cũng nhiều chỗ bị sập. Cũng có người trông nom nhưng chủ yếu là quét dọn chứ không tu sửa. Sau này, tôi đi bộ đội về rồi, di tích này vẫn chưa được tu sửa.
Anh Biên cho biết, vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên (năm 1984), Thượng tướng Hoàng Văn Thái lên thăm lại chiến trường xưa (Thượng tướng Hoàng Văn Thái chung hầm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên).
Khi vào khu Chỉ huy sở trong rừng bản Phăng, chứng kiến sự xuống cấp của công trình, ông rất buồn. Ông tâm sự rằng, hết chiến tranh rồi, Điện Biên thì được mở mang xây dựng, nhưng sao khu di tích trong rừng bản Phăng lại không được trùng tu, bảo vệ tốt. Sau đó, Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ trong rừng bản Phăng bắt đầu được đầu tư khôi phục, dần dần có được vóc dáng như hôm nay.
Từ trung tâm xã Mường Phăng vào rừng bản Phăng khá xa. Tuy là cùng một xã nhưng có nhiều điểm khác nhau. Một nơi thì nhộn nhịp chứng tỏ sức bật của cuộc sống mới, một nơi là cánh rừng già bao bọc trong mình một chứng tích hào hùng của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là trận chiến Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Năm 1954, cả xã Mường Phăng chỉ có 800 dân, thì nay đã là 8.600 người, trong đó người Thái chiếm 70%, người Khơ Mú 17%, người Mông 12,2%, người Kinh 0,8%. Nhiều dân tộc cùng chung sống nhưng tinh thần đoàn kết rất cao, tương trợ giúp đỡ nhau trong công việc, làm ăn, cuộc sống mọi người đang dần đi lên.
Trong vòng hơn 50 năm, dân số Mường Phăng tăng nhanh. Như vợ chồng cụ Lò Văn Bóng, hai cụ sinh được 8 người con (3 trai, 5 gái). Hỏi về cháu nội, anh Biên (con thứ hai của cụ Bóng) nói rằng “hơi ít”, được 10 cháu. Vẫn theo cách nói của anh Biên, về cháu ngoại thì “cũng hơi nhiều đấy”: 19 cháu. Đặc biệt, hai cụ cũng đã có tới 12 chắt.
Mường Phăng là một xã rộng, tới 9.100 ha, nhưng rừng núi nhiều, chỉ có trên 600 ha đất canh tác nông nghiệp. Dân số tăng nhanh. Do đó, rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước đây, nhiều hộ sống bằng nghề khai thác rừng, nhưng từ khi rừng được bảo vệ thì chuyển hẳn sang làm nông, mỗi năm trồng hai vụ lúa. Năng suất tuy không cao, nhưng gạo Mường Phăng ngon nổi tiếng, bán rất được giá, đó cũng là điều rất đáng mừng. Hiện nay, người dân trong xã vẫn chủ trương gieo cấy giống lúa địa phương, cho dù năng suất không cao. Đây là cách chọn lựa đúng, nếu tính theo giá trị thương phẩm.
Xã Mường Phăng hiện có 6 trường học, trong đó có 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở. Tổng số người đi học trong xã là 1.700. Tỷ lệ trong độ tuổi đến trường như vậy không thấp, nhưng điều băn khoăn của lãnh đạo xã là số các em được đi học lên cao không nhiều.
Trường trung học phổ thông Nà Táu gần xã nhất thì cũng cách tới 12 cây số, đường sá lại khó đi, chủ yếu phải đi bộ hoặc xe đạp. Chính vì thế, số em học xong trung học cơ sở rồi... thôi khá nhiều. Tuy nhiên, rất đáng mừng là trong năm học 2008-2009 này, theo Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên, thì số con em xã Mường Phăng vào trung học phổ thông đã tăng 20% so với năm học trước.
Cùng với hệ thống trường học, cơ sở y tế của xã được xây dựng khá tốt. Với những bệnh tật thông thường, đều có thể giải quyết ngay tại chỗ, không phải vượt hàng chục cây số đường đèo dốc đi ra tận Điện Biên Phủ như trước. Sức khỏe người dân được nâng lên, Trạm y tế xã Mường Phăng đang chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đó là những nỗ lực rất lớn của đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Nhưng, Mường Phăng vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Xã quá rộng, địa hình lại chia cắt. Mường Phăng có tới 47 bản. 47 bản là 47 cụm dân cư, 47 điểm có hoàn cảnh địa lý, xuất phát điểm kinh tế - xã hội khác nhau. Lo cho những bản nơi đường sá thuận lợi đã khó, lo cho những bản xa xôi cách trở, ít đất canh tác, thiếu nước tưới, lẫn nước sinh hoạt còn khó khăn gấp bội. Ở những bản này, do điều kiện sống thiếu thốn, người dân rất khó có cách phát triển sản xuất, cho nên việc học tập của con em cũng bị hạn chế. Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên rất băn khoăn về vấn đề này.
Theo anh, vực dậy kinh tế của những bản nghèo, bản xa xôi là điều phải được ưu tiên hàng đầu, không chỉ ở cấp xã, mà còn là trách nhiệm của cấp huyện, cấp tỉnh. Người dân Mường Phăng chăm chỉ, tiết kiệm, nhưng như thế cũng không đủ để thoát nghèo, mà cần phải được đầu tư, được hướng dẫn cách thức sản xuất, để họ không chỉ làm ruộng lấy lương thực sinh sống, mà còn có thể sản xuất hàng hóa, làm thương mại, du lịch.
Thu nhập bình quân đầu người toàn xã Mường Phăng hiện đạt 450 kg thóc/năm. Đây là con số khá khiêm tốn, đời sống của đa số bà con chưa cao. Thống kê của xã, hiện còn 24% số hộ nghèo. Con số này so với toàn huyện Điện Biên thì ở mức trung bình, tuy đã khá hơn so với thời gian trước. Trong vòng 5 năm tới, xã phấn đấu giảm một nửa số hộ nghèo hiện tại, nhưng đó là con đường phấn đấu rất gian nan.
Ở Mường Phăng, điều đáng mừng là trong khi nhiều người vẫn phải vật lộn để thoát nghèo thì cũng đã có một số gia đình làm ăn khá giả, tại địa phương đã xuất hiện điều kiện để làm kinh tế theo hướng thương mại và du lịch, vượt khỏi cung cách truyền thống. Xã đã có 2 hộ làm lò sản xuất gạch ngói, 3 hộ đầu tư khai thác cát, 3 hộ mua sắm máy móc chế biến nông sản, cuộc sống đã có của ăn của để. 8 hộ này như những tấm gương sáng khuyến khích người dân trong xã mạnh dạn làm ăn.
Còn dọc theo hai bên đường khu vực trung tâm xã, những dãy quán bán hàng tạp hóa, thực phẩm tuy còn nghèo nàn nhưng các mặt hàng gia dụng thiết yếu đều có đủ. Dịch vụ đang trở thành một hướng mở cho không ít gia đình Mường Phăng.

Những em bé Mường Phăng hôm nay trước căn hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Ảnh: MINH ĐIỀN
Tại khu di tích Chỉ huy sở Chiến dịch Điện Biên ở rừng bản Phăng, có khá nhiều phụ nữ và trẻ em tham gia hoạt động dịch vụ và hướng dẫn du lịch, tất nhiên mới dừng lại ở mức độ tự phát. Chúng tôi gặp ở đây những phụ nữ người địa phương bán hàng lưu niệm và nông thổ sản. Không chỉ là những vuông vải dệt tay thêu hoa văn của người Thái, người Mông, mà còn nhiều loại rễ cây, củ, quả trong rừng dùng để ngâm thuốc. Cả những nhánh lan rừng cũng được bày bán cho du khách.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp nơi đây một cảnh tượng thật đáng buồn: không ít cây cổ thụ cao tới ba bốn chục mét, một người ôm không hết bị chặt phá, vứt lăn lóc nhiều nơi trong khu di tích...
Còn một địa điểm nữa cũng rất thú vị ở Mường Phăng là hồ Pa Khoang. Khu hồ trên núi này nước bốn mùa trong xanh. Mặt hồ rộng rãi, uốn lượn theo các triền núi vốn như nàng công chúa ngủ quên trong rừng nay được đánh thức. Nhiều nhà nghỉ đã mọc lên ven hồ. Từ TP Điện Biên, nếu đi xe máy chừng 50 phút, người ta đã có thể dừng chân thưởng lãm không khí rất mực trong lành của hồ Pa Khoang. Tương lai không xa Mường Phăng sẽ là một điểm thu hút khách thú vị khi đến với Điện Biên. Đây cũng là một lợi thế để phát triển kinh tế của xã.
Hôm nay đến Mường Phăng, không chỉ là một cuộc hành hương về với căn cứ địa thần thánh của cuộc chiến tổng lực chiến thắng thực dân Pháp hơn nửa thế kỷ trước, mà còn được đắm mình trong một thiên nhiên kỳ thú. Nơi đó, rừng cây, trời và nước giao nhau.
Nam Việt - Trung Kiên