Vừa qua, để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2015, UBND thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã ban hành văn bản “Vận động kinh phí tổ chức bắn pháo hoa mừng Đảng mừng xuân năm 2015” với dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 1,2 tỷ đồng.
Văn bản nêu rõ là cán bộ, công chức, viên chức (kể cả hợp đồng thời vụ) của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp ở các ngành trong thị xã, lực lượng vũ trang, cán bộ, giáo viên, công nhân viên các trường từ mầm non đến THPT, bệnh viện, trạm trại… đều phải đóng góp tối thiểu 1 ngày lương thực lãnh; cán bộ lãnh đạo cấp phó trở lên ngoài mức đóng góp đó thì phải gương mẫu đóng thêm ít nhất 50% của một ngày lương. Đối với các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp thì mỗi người đóng ít nhất 200.000 đồng; cán bộ lãnh đạo ít nhất 300.000 đồng. Chủ trương này, ngay lập tức đã nhận được dư luận không đồng tình trong nhân dân.
Sau khi nhận được thông tin trên, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo UBND thị xã Hồng Ngự xem xét lại chủ trương. Nếu vận động được doanh nghiệp đóng góp riêng cho phần bắn pháo hoa thì thực hiện, còn không thì dừng việc bắn pháo hoa. Đối với số tiền các đơn vị, cá nhân đã đóng góp thì chuyển toàn bộ qua hỗ trợ người dân nghèo ăn tết.
Bắn pháo hoa là sự kiện mà nhiều địa phương thường tổ chức cho nhân dân có thêm niềm vui trong những dịp lễ, tết. Từ năm 1994, sau khi lệnh cấm đốt pháo có hiệu lực, mỗi năm, để có thêm niềm vui trong giờ khắc đón chào năm mới, người dân chỉ trông chờ vào dịp bắn pháo hoa. Số tiền chi cho 10 - 15 phút vui tươi ấy bao giờ cũng là tiền tỷ.
Do vậy, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội mà mỗi địa phương quyết định bắn hay không bắn, sử dụng kinh phí ngân sách hay xã hội hóa. Các năm trước đây, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, miền Trung… đã từng quyết định ngừng bắn pháo hoa dịp đón năm mới để dành tiền hỗ trợ cho người nghèo.
Công bằng mà nói, không phải người dân nào cũng được tận mắt thưởng thức pháo hoa. Có người cả đời chỉ được xem pháo hoa qua… truyền hình; có người dù ở các đô thị lớn cũng chỉ có điều kiện để nghe tiếng nổ lụp bụp của pháo hoa. Những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến nghèo khó, người dân càng ít có điều kiện để thưởng thức pháo hoa. Chính vì lẽ đó, việc bắn pháo hoa càng hết sức cân nhắc.
Với những sự kiện trọng đại của đất nước, việc bắn pháo hoa là cần thiết, nhằm khẳng định sự phát triển, đi lên của kinh tế - xã hội. Còn dịp Tết Nguyên đán, việc bắn pháo hoa cần cân nhắc, sao cho niềm vui chia đều cho mỗi người, sao cho cái Tết Nguyên đán có ý nghĩa; để người dân nghèo, để vùng sâu vùng xa không thấy mình phải tủi thân dịp tết đến, xuân về.
TRẦN MINH TRƯỜNG