Câu chuyện sản xuất hàng sạch đang thời sự

Câu chuyện sản xuất hàng sạch đang thời sự

Cùng với tiến trình VN hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, kinh tế trong nước phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng lên.

Từ sự đòi hỏi của người tiêu dùng về số lượng hàng hóa chuyển sang nhu cầu về chất lượng ngày càng tăng cao. Các tiêu chuẩn về sản xuất hàng hóa chất lượng, doanh nghiệp xanh, chống ô nhiễm môi trường… không chỉ được đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu.

Câu chuyện sản xuất hàng sạch đang thời sự ảnh 1
Chọn mua rau an toàn tại siêu thị. Ảnh: C.TH

Bên cạnh trào lưu sản xuất hàng xuất khẩu để chiếm lĩnh các thị trường lớn trên thế giới, câu chuyện sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng sôi động không kém và không hề đơn giản trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt.

Từ cách đây vài năm, chuyện rau sạch đưa được vào siêu thị để phục vụ khách hàng khó tính còn khá nan giải, thì nay đã là một kênh phân phối thông thường, là chuyện đương nhiên mà các siêu thị phải quan tâm nếu muốn tồn tại.

Từ chiếc khăn sạch giặt hấp sử dụng nhiều lần ở các nhà hàng, quán ăn, đến nay nhu cầu khách hàng đòi hỏi sử dụng khăn dùng một lần đang đẩy mạnh sự cạnh tranh. Có những dự đoán sắp tới chiếc khăn giặt hấp sẽ đi vào dĩ vãng. Quyết định lựa chọn tiện nghi là của khách hàng, chứ không phải từ các nhà cung cấp, phục vụ.

Nhanh, nhạy, năng động nắm bắt yêu cầu thị trường đang là tiêu chí của các DN sản xuất, các nhà phân phối hàng tiêu dùng nội địa để đảm bảo giữ vững thị phần trong thời buổi hội nhập đầy cam go này.

Ở các tỉnh phía Nam hầu như thời tiết nóng quanh năm thì thói quen sử dụng nước đá đã ăn sâu vào tiềm thức. Thế nhưng thói quen này cũng đã có những chuyển biến khá rõ với đòi hỏi cao hơn. Nhu cầu nước đá tinh khiết tăng đột biến. Việc các nhà sản xuất tính toán chọn lựa địa điểm đầu tư, cung ứng cũng được đặt ra khá nghiêm túc, bài bản, cho dù là hình thức sản xuất nhỏ. Chuyện nước đá tinh khiết được chở từ ngoại thành vào cung ứng trong khu vực nội thành TPHCM không còn là chuyện lạ.

Còn một mặt hàng nữa cũng khá đơn giản, nhưng đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường, kể cả trên những gánh hàng ăn “di động”. Đó là đũa tre dùng một lần, được bao gói cẩn thận. Nhìn nó hiện diện một cách tự tin trong gánh bánh ướt của chị bán hàng bên lề đường Trường Cao đẳng KT Cao Thắng, hay trong phần cơm hộp mua về của quán cơm bà Cả, càng cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi.

Yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn, có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn, cho dù ở khu vực khách hàng bình dân. Thế nhưng, ở góc độ các nhà sản xuất, nó càng thúc đẩy cạnh tranh gay gắt hơn. Vì, sản lượng tre không tăng, rừng càng ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu tre cung ứng ngày càng khó khăn, càng xa nơi tiêu thụ, chi phí sản xuất càng tăng.

Một mặt hàng chiếm vị trí khá khiêm tốn trong đời sống xã hội, nhưng vẫn hội tụ đầy đủ những khó khăn của sản xuất hàng hóa.

Có thể nói, đó là những đặc trưng dễ thấy nhất trong đời sống sản xuất-tiêu dùng của xã hội Việt Nam thời kỳ đầu hội nhập kinh tế quốc tế.

CHÂU LONG

Tin cùng chuyên mục