Trường hợp phát hiện và xử lý sự cố công trình cầu Đúc Nhỏ trên quốc lộ 13 có thể xem là điển hình thành công của Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 2 trong việc tuần tra, giám sát công trình.
Công trình cầu Đúc Nhỏ nằm trên tuyến quốc lộ 13 đoạn đi qua quận Thủ Đức được xây dựng từ trước năm 1975 với chiều dài cầu 12,5m gồm một nhịp và 2 mố. Cầu đang được khai thác với tải trọng cho phép 18 tấn. Quá trình khai thác, cầu Đúc Nhỏ thường xuyên phát sinh nhiều hư hỏng do cầu đã bị xuống cấp từ lâu.
Vì là công trình nằm trên tuyến quốc lộ cửa ngõ huyết mạch của TPHCM, việc tuần tra theo dõi công trình càng được quan tâm nhiều hơn. Vào thời điểm tháng 1-2012, cầu thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải lưu thông, mật độ xe qua cầu tăng cao do công trình cầu Bình Triệu cũ được nâng cấp mở rộng. Sử dụng quá tải, hư hỏng phát sinh nhiều hơn, thậm chí có những hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của cầu như xuất hiện vết nứt kết cấu dầm cầu, nứt mố cầu…
Chưa hết, tình trạng xe container, xe chở sắt thép siêu trường siêu trọng thường xuyên chạy qua cầu cũng là tác nhân nguy hiểm bởi có thể gây biến dạng và phá hoại công trình bất cứ lúc nào, tức là thường trực xuất hiện mối nguy gián đoạn giao thông trên tuyến cửa ngõ phía Bắc do cầu Đúc Nhỏ bị sự cố.
Trước tình hình này, KQLGTĐT số 2 đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường để xác định mức độ nguy hiểm, hợp bàn và đề xuất cấp thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý cấp bách, đặc biệt cần thực hiện ngay giải pháp hạ tải cầu, duy tu sửa chữa tạm để đảm bảo khả năng khai thác với tải trọng 15 tấn đồng thời tăng cường công tác trực gác cảnh báo tại công trình cầu.
Còn về lâu dài, KQLGTĐT số 2 đã đề nghị TP cho phép khu thực hiện dự án sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông cầu Đúc Nhỏ bằng cách thay thế cầu bằng cống hộp. KQLGTĐT số 2 đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Qua quá trình khai thác, sử dụng và sửa chữa khắc phục các hư hỏng phát sinh tại cầu Đúc Nhỏ, lãnh đạo KQLGTĐT số 2 cho rằng công tác tuần tra, trực gác đã đóng vai trò tích cực trong khâu phát hiện sửa chữa kịp thời các hư hỏng của bản thân công trình, đặc biệt khi nhu cầu kinh phí duy tu sửa chữa không được bố trí kịp thời và đầy đủ.
Một điều đơn giản ai cũng biết, nếu các sự cố và khuyết tật công trình không được quan tâm đúng mức, đặc biệt công tác tuần tra trực gác công trình trong điều kiện khó khăn về kinh phí cấp phát, thì khả năng xảy ra những sự cố đáng tiếc là rất lớn.
Trung Khanh