Cầu hiền

Trong dòng thông tin thời sự trên báo ngày 28-6-2016, có mẩu tin nhỏ nhưng gây sự chú ý của nhiều người: Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM. Nội dung thông tin được quan tâm vì nhiều người đã biết câu chuyện về Lê Nguyễn Minh Quang, vốn là một sinh viên nghèo, được tiếp sức bằng học bổng của một tờ báo tại TPHCM.

Trong dòng thông tin thời sự trên báo ngày 28-6-2016, có mẩu tin nhỏ nhưng gây sự chú ý của nhiều người: Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM. Nội dung thông tin được quan tâm vì nhiều người đã biết câu chuyện về Lê Nguyễn Minh Quang, vốn là một sinh viên nghèo, được tiếp sức bằng học bổng của một tờ báo tại TPHCM.

Ông Quang có trình độ tiến sĩ ngành xây dựng, cao học ngành quản lý hành chính công, cao học quản trị doanh nghiệp. Ông Quang vừa trúng cử đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021. Những thành tích gắn liền với tên tuổi của ông còn là chuyện ông viết thư góp ý với Thủ tướng về chính sách sử dụng nhân tài và thu hút du học sinh về nước làm việc.

Người ta quan tâm tin lãnh đạo TPHCM bổ nhiệm ông Quang vì ông Quang là người ngoài Đảng lại được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo một ban trực thuộc UBND TPHCM - điều xưa nay hiếm. Có thể nói rằng đây là tín hiệu cho thấy sự cởi mở, táo bạo của lãnh đạo TPHCM trong việc cầu hiền. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - điều ai cũng biết, ai cũng nói, thế nhưng, dù cái thời “chủ nghĩa lý lịch” đã qua, vẫn có không ít nhân tài không được trọng dụng vì không phải là đảng viên. Cụm từ “trọng dụng nhân tài” được ghi trong nhiều văn bản, nghị quyết, nhưng nay được cụ thể bằng câu chuyện đón nhận và bổ nhiệm ông Quang là thể hiện sự đổi mới về nhận thức trong công tác cán bộ.

Còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn là lãnh đạo TPHCM đã rất quan tâm và chân thành kêu gọi trí thức chế độ cũ ở lại phục vụ đất nước. Do vậy, không ít trí thức chế độ cũ đã thoát mặc cảm, ở lại cống hiến. Bản lĩnh và sự hết lòng của người lãnh đạo trong việc cầu hiền đã mở đường, tạo bệ phóng cho nhiều cuộc đời cùng đồng hành với đất nước và dân tộc. Khi được đón nhận và bổ nhiệm, ông Quang bày tỏ: “Đây là một quyết định táo bạo, vượt qua định kiến, cơ chế và tôi rất cảm kích”. Thêm một người tài về với Đảng, đó là điều nên mừng.

Đang là tổng giám đốc một công ty nước ngoài tên tuổi, ăn nên làm ra, ông Quang lại đồng ý về làm cho Nhà nước. Cái thiệt đầu tiên mà ông gánh chịu là sụt giảm thu nhập. Chưa kể còn những sức ỳ đang chờ đợi ông phía trước, như cơ chế, thủ tục, phong cách làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước… Vậy mà ông Quang vẫn chấp nhận, bởi lẽ như ông tâm sự: “Tôi không muốn mình mãi đứng dưới sân ga và trách móc người lái tàu”. Vào cuộc, đồng hành và chia sẻ, đó là thái độ trách nhiệm đáng quý ở người trí thức chân chính. Trong khi có những trí thức được chi ngân sách, cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng rồi không trở về phục vụ đất nước, phải chăng ông Quang như người đang lội ngược dòng? Thực ra, ông đang lội xuôi dòng vì cái tình “lá rụng về cội”, vì ông luôn thầm cảm ơn về quỹ học bổng đã giúp ông cất cánh… Ông Quang đang khơi nguồn cảm hứng phục vụ đất nước cho nhiều du học sinh Việt Nam đang ngập ngừng ở ngưỡng cửa “ở lại hay về nước”. Mong rằng, từ câu chuyện ông Quang, Nhà nước và lãnh đạo TPHCM sẽ tiếp tục quan tâm, có cơ chế và chính sách đãi ngộ thỏa đáng, để thu hút nguồn chất xám của du học sinh về nước phục vụ.

NGUYỄN HIỀN LÊ
(quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục