Cầu nối chuyển tải luật hiệu quả

Cầu nối chuyển tải luật hiệu quả

“Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến bao nhiêu tuổi?”. Không khí trong hội trường Nhà Thiếu nhi quận 10 TPHCM “nóng” lên sau khi câu hỏi được đặt ra. Hàng loạt cánh tay của các bạn thanh niên, công nhân lao động giơ lên xin được trả lời.

Hiểu luật qua câu đố

Chờ một bạn đưa ra đáp án đúng là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, luật gia Nguyễn Văn Thành (Phòng Tư pháp quận 10) giải thích đây là quy định theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. Tuy nhiên, có một điểm mới so với trước đây là những bạn học cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ là đến hết 27 tuổi. Quy định như vậy nhằm tạo sự công bằng giữa những bạn đã thi hành nghĩa vụ quân sự với những bạn được tạm hoãn vì việc học.

Những câu hỏi khác tiếp tục được nêu ra khiến phần đố vui tìm hiểu pháp luật tại “Ngày hội pháp luật năm 2015” do UBND quận 10 tổ chức vào giữa tháng 11-2015 thêm hào hứng. Phần thưởng không chỉ là món quà nhỏ dễ thương cho câu trả lời đúng, mà còn là kiến thức pháp luật những bạn trẻ ngồi trong hội trường tiếp thu được. Các bạn có thể biết người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường; con riêng chỉ được hưởng thừa kế di sản của cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con; pháp luật lao động quy định thời gian thử việc tối đa đối với người có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học là không quá 60 ngày; lãnh hải của Việt Nam rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài, bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo...

Thanh niên, công nhân lao động quận 10 tham gia phần thi tìm hiểu pháp luật tại “Ngày hội pháp luật 2015”

Mỗi khi xác nhận đáp án đúng, luật gia Nguyễn Văn Thành lại giải thích vì sao luật quy định như vậy, điểm mới tiến bộ hơn so với trước ra sao. Những kiến thức pháp luật tưởng như khô khan lại trở nên dễ nhớ. “Phần đố vui thoải mái, giúp chúng em dễ tiếp thu. Hiểu quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự là điều cần thiết đối với những người trong độ tuổi như chúng em”, bạn Phạm Hữu Duy (16 tuổi, học sinh Trường THPT Trần Quang Khải) nói. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hương (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen) chia sẻ rằng phần đố vui pháp luật giúp bạn biết thêm nhiều quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình. Những nội dung này sẽ có ích nếu sau này bạn tham gia tuyên truyền pháp luật cho các bạn đoàn viên, thanh niên khác.

Sinh động, dễ tiếp thu

Tại “Ngày hội pháp luật năm 2015” do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TPHCM tổ chức cũng trong tháng 11-2015 vừa qua, phần thi tìm hiểu pháp luật với nội dung về Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp... thu hút sự quan tâm của gần 1.500 công nhân, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Tân. Đang mang thai gần đến ngày sinh, nghe xong phần thi, chị N.T.H.L. (Công ty TNHH PouYuen) hiểu nhiều hơn về quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ. Quay sang đồng nghiệp ngồi bên cạnh, chị vui vẻ nói: “Vậy là tôi yên tâm rồi. Luật quy định công ty không được tự ý chấm dứt hợp đồng lao động nếu lao động nữ như tụi mình đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 1 tuổi. Còn nữa kìa, con dưới 1 tuổi thì lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ trong thời gian làm việc. Tôi biết vậy để mai mốt còn tính xin đi trễ hoặc về sớm chăm con”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người tham gia “Ngày hội pháp luật năm 2015” đều thích thú với cách tuyên truyền, phổ biến luật một cách nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ này. Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, thi tìm hiểu pháp luật là một những cầu nối chuyển tải nội dung pháp luật đến người nghe hấp dẫn, có hiệu quả cao. Hình thức tuyên truyền này có ­ưu thế là dễ dàng mở rộng được phạm vi đối tượng tuyên truyền (cả ngư­ời dự thi và ngư­ời theo dõi cuộc thi đều có thể tiếp cận quy định của pháp luật); phát huy được tính tích cực, chủ động của người dự thi, đồng thời giúp họ nhận thức sâu sắc nội dung pháp luật cần tìm hiểu, từ đó nâng cao ý thức pháp luật cho họ. Trong thời gian tới, mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật sẽ được đa dạng hóa và áp dụng công nghệ thông tin (tổ chức thi qua điện thoại di động, qua truyền hình...) để pháp luật có điều kiện lan tỏa, dễ đi vào cuộc sống hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục