Cau vua hết thời “vua”

Cau vua hết thời “vua”
  • Miền Bắc ứ đọng hàng triệu cau vua

(SGGP-12G).- Một cây cau vua cao chừng 4-5m có giá tới 30-40 triệu đồng, rẻ cũng 20-25 triệu đồng/cây nhưng không đủ bán. Thế là hàng ngàn chủ hộ, chủ trang trại ở nhiều nơi trên miền Bắc đổ xô đi trồng cau vua. Đó là cái thời cách đây đã 9-10 năm. Bây giờ, những lứa cau vua khi xưa đã lớn, gốc to bằng cái cột đình, tán rợp như rừng nhưng chủ không sao bán được.

Một cây cau vua trồng 10 năm, thân cao 6m, chủ chỉ dám đòi có 200.000đ nhưng khách vẫn còn lắc đầu bỏ đi. Nhiều nơi hiện đang chặt bỏ cau vua, cho không cũng không ai buồn nhận…

“Bỗng dưng muốn khóc”

Cau vua hết thời “vua” ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Thu đốn bỏ cả vườn cây ăn quả để trồng cau vua mà giờ cau không làm sao bán được, dù giá thì rẻ như cho

Đi vào giữa làng Phù Đổng (Đông Anh, Hà Nội) mà như đi giữa cánh rừng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long vì những vườn cau vua xanh ngút mắt. Hàng vạn cây cau vua to lực lưỡng vượt mái nhà, trồng tràn lan khắp vườn sau ngõ trước, triền đê, cánh đồng. Bởi vậy, có người còn gọi làng Phù Đổng là “làng cau vua”. Nhìn vườn cau nhà nào cũng xanh ngăn ngắt, thật “mát” mắt nhưng chủ lại buồn rười rượi, không khỏi lo âu.

Chỉ vào những thân cau cả vòng tay người ôm, ông Nguyễn Hữu Thu, 70 tuổi, ở đầu xóm Gạo, thôn Phù Dực, buồn bã: “Trồng đã 6-7 năm rồi mà chẳng có khách nào mua. Họ chỉ trả có 100.000đ/cây. Giá đó đúng là muốn khóc vì còn không đủ cả tiền để thuê người về đánh gốc, cẩu lên xe”.

Trong nhà ông, sân trước vườn sau, chỗ nào cũng dành đất để trồng cau vua, không còn chỗ cho cây ăn quả. Giờ cau không bán được, cứ lên xanh um như cây dại.

Theo ông Thu, cả xã Phù Đổng nhà ít cũng có 30-40 cây loại 4-5 năm, nhà nhiều có vài trăm cây. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, chẳng ai bán được cây nào.

Ông Thu nói: “Khi cau vua lên cơn sốt, hầu như gia đình nào trong làng cũng nhổ bỏ hàng loạt cây ăn quả để trồng cau vua. Ai cũng tin rằng, nếu trồng cau vua thì chỉ cần sau 5-6 năm là có trong tay vài trăm triệu đồng”. 

Nghịch lý, lẽ ra cau vua càng trồng lâu năm càng có giá trị thì hiện nay, ngày lại càng rẻ đi. Chỉ vào cây cao vua to và đẹp nhất, chu vi gốc 70cm, cao 5m, anh Hưởng mời chào chúng tôi mua với giá chỉ có 300.000đ. Nói vậy chứ 200.000đ anh cũng bán. Còn những cây cau vừa vừa thì chỉ có giá đúng… 50.000đ. Trong khi cách đây khoảng 3-4 năm, nó có giá khoảng 2,5-3 triệu đồng/cây. Còn trước nữa, khi còn thời kỳ hoàng kim thì một cây cau như vậy không dưới 20 triệu đồng. “Chúng tôi phải chặt đi rất nhiều rồi”, anh nói.

Anh Thanh, chủ một vườn gồm hơn 1.000 cây cau, cây nào cũng cao vút tầm mắt, trông như cột đình, nói gần như mếu: “Cây này tôi chỉ đòi 300.000đ mà khách còn bỏ đi không thèm quay lại. Ai từng đổ xô đi trồng cau vua giờ lỗ nặng rồi. Trồng và chăm bón suốt 9-10 năm trời mà cuối cùng chỉ được có vài trăm ngàn đồng, ai chịu nổi”. 

Bà vợ ông Thu xót của: “Nếu như không trồng cau vua mà đem trồng chuối thì ít nhất một cây chuối mỗi năm cũng cho một buồng. 1.000 cây chuối là mỗi năm cũng thu 100-150 triệu đồng. Vậy mà cũng chừng đó diện tích, chỉ trồng được khoảng 200 cây cau vua vì cau vua “ăn” rất nhiều diện tích, làm hại đất lại không cho thu một đồng nào trong suốt 6-7 năm trời”.

Hậu quả chạy theo phong trào

Không chỉ riêng xã Phù Đổng (Đông Anh, Hà Nội) mà rất nhiều nơi ở miền Bắc hiện nay, ở đâu hầu như cũng có “làng cau vua” và cũng đều lâm vào cảnh “bỗng dưng muốn khóc” vì cau không sao bán được. 

Chúng tôi đến vùng Sơn Tây, Phúc Thọ thuộc Hà Nội “mới”, nơi có hàng chục trang trại cau, mỗi trang trại rộng 3-4ha, tán phủ như rừng, bóng che rợp đất. Anh Phùng Văn Long, chủ một trang trại cau vua rộng 4ha ở ngoại ô TP Sơn Tây, xót xa: “Tôi đã trót ném vào cau hàng trăm triệu đồng mà giờ có nguy cơ phá sản vì nếu bán cả vườn cau gần 1.000 cây cũng chỉ được khoảng 150-200 triệu đồng”.

Hỏi nguyên nhân vì sao cau vua tồn đọng, không sao bán được, anh Long ngậm ngùi: “Cái chính là do khi cau vua lên cơn sốt thì khắp nơi đều đổ xô trồng cau vua. Ở đâu cũng bạt ngàn cau vua. Bây giờ cau vua còn nhiều hơn cả cau trầu. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai là do từ giữa năm 2008 đến nay, tình hình xây dựng bị chững lại, thị trường bất động sản bị đóng băng nên chẳng ai còn thiết mua cau vua nữa”.

Cách trang trại của anh Long một quãng là trang trại của anh Thái. Anh Thái tiếc nuối: “Hồi năm 2007, khi cả nước lên cơn sốt bất động sản, khu đô thị mới, khu công nghiệp rầm rập mọc lên khắp nơi, cau vua rất sốt. Nhưng lúc đó, hầu như bà con lại chẳng dám bán vì cau còn nhỏ, ai cũng nghĩ càng chờ cau lớn càng được giá cao. Nào có ai ngờ!”. 

Cau vua, cũng như vải thiều, cá tra, ba sa… là những hậu quả của tình trạng trồng và nuôi không tuân theo hoặc không hề có quy hoạch.

Nông dân vẫn đang đơn độc trong việc loay hoay tự đi trả lời câu hỏi: “Trồng cây gì, nuôi con gì” và cuối cùng thì lại nuôi và trồng theo phong trào, đến khi dư thừa sản lượng, không bán được thì cũng không biết kêu ai, đành phải cắn răng chịu thua lỗ nặng.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục