Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cầu vượt Gò Dưa... dây dưa!

Đi không được, ở không xong
Cầu vượt Gò Dưa... dây dưa!

Cầu vượt Gò Dưa ở nút giao lộ Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 43 (phường Tam Bình, Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM) làm xong từ năm 2005 nhưng chưa đưa vào sử dụng vì chưa hoàn thành đường dẫn. Nguyên nhân là do không có mặt bằng để thi công. 5 năm qua, cây cầu Gò Dưa đã xuống cấp và bị “tấn công” bởi rác thải sinh hoạt của người dân địa phương.

Cầu Gò Dưa đã biến thành bãi chứa rác và đang xuống cấp.

Cầu Gò Dưa đã biến thành bãi chứa rác và đang xuống cấp.

Đi không được, ở không xong

Năm 2003, dự án cầu vượt Gò Dưa được triển khai với tổng kinh phí đầu tư là 189 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, UBND TPHCM chịu trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau 2 năm thi công cầu vượt, hạng mục chính đã hoàn thành.

Thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, công trình có giá trị gần 200 tỷ đồng không thể đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là do chưa có mặt bằng để thi công đường dẫn hai đầu cầu. Không chỉ bị xuống cấp, hư hỏng, cây cầu này còn trở thành bãi chứa rác thải của người dân.

Kể từ khi dự án được triển khai, hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực bị giải tỏa làm cầu vượt khốn khổ vì chỗ ở bị xáo trộn, nhà cửa hư hại, xuống cấp. Thấy mặt bằng chưa được sử dụng đúng mục đích, nhiều người dân đã nhận tiền đền bù vẫn bám trụ ở lại và một số khác tuy đã giao mặt bằng cho chủ đầu tư cũng quay trở lại dựng chòi trên nền đất cũ. Họ chấp nhận tình trạng sống lây lất trong những căn nhà cũ nát, đã tháo dỡ một phần tường, mái.

Ông Phạm Thanh Hải nhà số 71 đường Gò Dưa phường Tam Bình bộc bạch: “Thấy công trình tiền tỷ của nhà nước bị phơi sương, phơi nắng, ai cũng xót nhưng bà con ở đây không ai dám tháo dỡ nhà, giao mặt bằng khi đơn giá đền bù chỉ có 2,8 triệu đồng/m². Đó là chưa kể thủ tục thu hồi đất quá mập mờ…”.

Giải tỏa khi chưa có quyết định thu hồi đất

Theo số liệu từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, đến nay, có 280/342 hộ đã nhận tiền bồi thường. Nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ, đền bù hàng chục tỷ đồng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng dù nhiều gia đình đã nhận tiền tỷ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân xuất phát từ cách làm tùy tiện của Hội đồng bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức (gọi tắt là Hội đồng bồi thường).

Để thực hiện dự án, năm 2003, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 3358/QĐ với nội dung “Bổ sung nút giao thông Ngã tư Ga và nút giao thông Gò Dưa là những hạng mục công trình bổ sung dự án đường xuyên Á”. Căn cứ vào quyết định này, các sở ngành sẽ thực hiện những bước tiếp theo về thủ tục hành chính để UBND TP ban hành quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng, Hội đồng bồi thường bỏ qua giai đoạn này và vội vàng sử dụng Quyết định 3358 làm cơ sở pháp lý, thực hiện đo đạc, kiểm kê và chi tiền bồi thường cho người dân, mà không chờ đến lúc có quyết định thu hồi đất. Người dân ngỡ ngàng khi thấy cán bộ quận đến từng nhà kiểm kê hiện trạng, đo vẽ diện tích và thúc giục người dân nhận tiền để sớm giao mặt bằng.

Khi người dân nghi ngại, hỏi về quyết định thu hồi đất thì họ tìm cách thoái thác, không công khai cho người dân biết. Nhiều người đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn “bám trụ” ở lại cũng vì lo ngại cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, nhà bị giải tỏa nhưng liệu tiền đền bù có bị thu hồi lại?

Rõ ràng cách làm của Hội đồng bồi thường đang gây bức xúc cho người dân. Trước sự việc này, ngày 11-5-2006, ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội đồng bồi thường quận Thủ Đức đã có văn bản công khai xin lỗi người dân vì đã tiến hành “kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường khi chưa có quyết định thu hồi giao đất bổ sung, việc kiểm kê áp giá chưa đúng với quy định pháp luật”.

Để giải tỏa bức xúc của người dân, ngày 21-1-2010, UBND TPHCM có văn bản đồng ý nâng mức hỗ trợ, đền bù lên 4,8 triệu đồng/m². Chủ trương kịp thời này góp phần giải quyết nguyện vọng của người dân về đơn giá đền bù.

Tuy nhiên, điều mấu chốt hiện nay là cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quyết định thu hồi đất để người dân yên tâm nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng thi công đường dẫn, sớm đưa cầu vượt Gò Dưa vào sử dụng.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục