
“Cây sáng kiến” là cụm từ đồng nghiệp thường gọi chị Phạm Thị Thu (35 tuổi), công nhân Nông trường Bình Minh, Công ty Cao su Bình Long, tỉnh Bình Phước. Không phải ngẫu nhiên đồng nghiệp đặt cho chị biệt hiệu như thế, bởi trong gần 20 năm làm công nhân nông trường cao su, chị đã có không ít sáng kiến cải tiến sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và sự an toàn trong lao động, trong đó có 2 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm, được ngành cao su đánh giá cao và được bình chọn là 1 trong 20 công dân ưu tú của tỉnh Bình Phước sau 20 năm tái lập tỉnh.
Gia đình ba thế hệ là công nhân cao su
Chúng tôi tìm đến Nông trường cao su Bình Minh vào một buổi chiều cuối năm, nắng hanh vàng, mặt đường nhựa phẳng lì bao quanh nông trường, điểm xuyết là màu đỏ đặc trưng của vùng đất miền Đông trù phú. Thật ngạc nhiên, đi giữa rừng bạt ngàn cao su, hỏi thăm người dân ven đường về cô công nhân Phạm Thị Thu, Nông trường Bình Minh, ai cũng biết, thậm chí có người còn kể những câu chuyện vui về các sáng kiến của chị, họ gọi chị là “kỹ sư nông dân”, “nhà khoa học chân đất”…
Gia đình chị Thu quê gốc ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), vào lập nghiệp ở Bình Phước 20 năm trước, khi tỉnh được tái lập. Vợ chồng chị là đời thứ 3 trong gia đình sinh sống và trưởng thành từ nghề cạo mủ cao su, đó cũng là lý do khiến niềm đam mê nghề, đam mê cải tiến để nâng cao năng suất lao động ăn sâu vào tâm trí chị. Từ ông nội làm công nhân nông trường, đưa con cháu ở miền Trung vào lập nghiệp, đến nay, đại gia đình chị có hơn 20 người đều đang đóng góp công sức cho ngành cao su tỉnh Bình Phước, với nghề nghiệp chính là cạo mủ cao su trên các nông trường của Công ty Cao su Bình Long…

Chị Phạm Thị Thu với công việc cạo mủ cao su mà chị gắn bó gần 20 năm qua
Làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm
Chị Thu khiêm tốn kể về những sáng kiến của mình, theo đó, nhờ môi trường làm việc tốt, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, chị được đồng nghiệp đánh giá cao vì có những cải tiến tiết kiệm cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sáng kiến về sử dụng dầu nguội (nhựa làm đường chưa nung nóng) để gắn máng che mưa cho mỗi cây cao su khi sắp vào mùa mưa, khiến chị được hàng trăm lượt bình chọn trên trang mạng là công dân ưu tú tỉnh Bình Phước; hội đồng phê duyệt chọn là sáng kiến tiêu biểu cho quá trình cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Trước đây, khi chưa có phương pháp này, công nhân phải đốt dầu nóng để bịt kín miệng cạo, thời gian làm lâu hơn, dễ gây cháy, bỏng cho người thao tác, năng suất chỉ đạt từ 100 đến 150 cây cao su/ngày. Với phương pháp sử dụng dầu nguội gắn máng, công nhân có thể làm được tới 300 cây mỗi ngày.
Hay sáng kiến dùng máy cắt cỏ thổi lá khô dưới tán cao su của chị mang lại năng suất gấp 8 lần dùng chổi thủ công (quét được 8ha cao su/ngày) và làm lợi gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Không phải ngẫu nhiên khi chị đạt được 3 giải kiện tướng trong khai thác mủ (các năm 2010, 2012, 2014), đó là kết quả của những cải tiến trong tác nghiệp. Đơn cử là việc đổi vị trí cạo mủ sau mỗi lần cạo trước, theo cải tiến của chị đã cho sản lượng cao gấp 2 lần, tuổi thọ của cây cao hơn, đồng thời chất lượng mủ cũng tốt hơn. Giải thưởng “Bàn tay vàng” đến từ kinh nghiệm với các thao tác cạo mủ phải uyển chuyển, mềm mại, độ sâu vào đúng “da lụa” của thân cây cao su chứ không đơn giản là một đường rạch tạo khe chảy mủ. Với cách làm này, chị có nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua ở công ty, trở thành người hướng dẫn, truyền nghề cho đồng nghiệp và những công nhân trẻ vào nghề sau. Những sáng kiến tiện ích này đã được nhiều nông trường cao su của tỉnh Bình Phước áp dụng đại trà.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Bình Long, đánh giá, thời gian qua, những cải tiến của chị Thu vừa làm lợi cho doanh nghiệp, đồng thời gặp giá cao su thời gian qua tăng cao hơn, nên công ty có điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên, với mức bình quân hiện tại là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng gần 2 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái; sáng kiến của chị Thu nhiều lần được công ty khen thưởng, chị cũng nhận được Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2016.
Gửi gắm ước mơ cho con
Chị Thu tâm sự, chị có mơ ước là sẽ cho con cái theo học nghề của mẹ để sau này cùng mẹ có những cải tiến mang lại lợi ích cho công ty. Chị muốn con thực hiện được tham vọng xuất khẩu thật nhiều mủ cao su ra nước ngoài với giá cao và ổn định để thu nhập của người lao động thường xuyên được tăng lên.
Hiện nay, một trong những vấn đề khiến chị Thu tâm tư, đó là việc thời tiết thường xuyên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cao su cũng như chất lượng mủ. Chị ấp ủ sáng kiến khắc phục được hạn chế về sự “đỏng đảnh” của thiên nhiên…
Chia tay chị Thu khi ánh nắng chiều đang rải vàng trên các lô cao su xanh tốt, chúng tôi miên man trong suy nghĩ về các ý tưởng, cải tiến mới mà chị Thu đang nghiên cứu, với niềm tin chắc chắn những cải tiến sẽ ngày càng giúp ích nhiều hơn nữa cho những người công nhân cao su.
XUÂN TRUNG