Cây xanh đường phố đang bị xâm hại

Cây xanh đường phố đang bị xâm hại

Có một thực tế, hệ thống cây xanh đường phố trên địa bàn TPHCM ở nhiều nơi đang bị xâm hại bởi nhiều phương thức khác nhau.

Nguyên nhân do đâu?

Ngày 27-6 vừa qua, một cơn lốc xoáy kèm mưa lớn xảy ra trên địa bàn 2 quận Tân Bình và Tân Phú. Hậu quả gây ra từ cơn mưa lốc này là làm ngã đổ 19 cây xanh đường phố và 122 cây xanh đường phố khác bị gãy nhánh một phần. Điều đáng chú ý và cũng đáng quan ngại ở chỗ toàn bộ cây xanh gặp sự cố này trước đó đều là cây tốt, không sâu bệnh. Gần đây hơn, vào giờ cao điểm chiều 5-7, một cơn dông lốc đã xảy ra trên địa bàn quận Bình Thạnh, đoạn công viên Điện Biên Phủ gần ngã tư Hàng Xanh. Cơn dông lốc này đã làm gãy đổ một số cây xanh trên đường, trong đó có một cây sao đen loại 1, tức là loại cây có đường kính 20cm trở lại và chiều cao dưới 10m.

Cây xanh chỉ còn lại gốc trên đường số 6, phường 6, quận 8 (Ảnh: THÀNH TRÍ)

Bên cạnh những yếu tố thuộc về thiên nhiên, thời tiết, hệ thống cây xanh đường phố còn bị những tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau do tác động từ việc xây dựng, phát triển hoặc chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị! Vào cuối tháng 4 vừa qua, trong quá trình thi công vỉa hè, đơn vị thi công đã đào quá sát gốc cây, ở độ sâu 0,4m và chặt đứt rễ của 3 cây lim xẹt loại 2, đường kính từ 20cm - 50cm và độ cao từ 6m - 12m trên đường Trương Định (đoạn thuộc phường 7, quận 3). Cũng trong nửa cuối tháng 4-2016, chủ đầu tư Saigon Center khi dùng xe cơ giới thi công vỉa hè đường Lê Lợi (phường Bến Nghé, quận 1) đã đào sát bó vỉa 4 cây viết loại 1, làm tróc vỏ thân cây và gãy nhánh cành. Đầu tháng 5-2016, Công ty Điện lực Tân Bình tự ý mé nhánh khai quang đường dây điện đã cắt trụi cành nhánh, làm lệch tán cây của 52 cây bò cạp nước loại 1 và loại 2 trên đường Cộng Hòa (đoạn đi qua phường 4, quận Tân Bình). Theo giải thích của các chuyên viên ngành cây xanh, việc bị lệch tán sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, bao gồm sự ổn định bám chắc của gốc cây trong lòng đất.

Một điều đáng buồn khác là cũng có khi những tổn hại cây xanh đường phố lại đến từ sự cố ý của con người mà tựu trung được phán đoán là xuất phát từ động cơ tư lợi thiển cận, cho rằng cây xanh đường phố làm vướng víu mặt tiền nhà phố. Có thể nhắc tới trường hợp 6 cây me tây loại 1 và loại 2 trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) hồi cuối tháng 3 qua bỗng dưng bị xuống lá đột ngột. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy xung quanh những gốc cây này có mùi hôi nồng nặc, còn thảm cỏ trồng phủ quanh gốc thì bị héo úa, chết khô. Trong khi đó vào đầu tháng 5, một cây lát hoa đoạn trước nhà số 5 đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) bị ai đó chặt sát gốc! Có thể kể thêm một cây sa kê loại 1 trên đường Lê Lăng (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) được phát hiện bị chặt ngang thân hồi đầu tháng 6; một cây dầu loại 3, đường kính hơn 50cm và cao hơn 12m trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) thuộc diện nghi ngờ bị đầu độc thuốc…

Giải quyết không khó

Nếu chỉ tính số lượng mà chính quyền TPHCM giao cho Sở Giao thông Vận tải quản lý, hệ thống cây xanh đường phố hiện có khoảng 130.000 cây các loại. Con số này là thành quả của một quá trình cố gắng phát triển mảng xanh đáng kể của TP nếu biết rằng cách đây hơn 30 năm, con số này chỉ dừng lại ở mức khoảng 8.000 cây!

Nói gì thì nói, trên thực tế, hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Sự hữu ích, cần thiết của mảng xanh đường phố là điều hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi. Chính vì thế vấn đề bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh cũng phải được xem trọng tương ứng. Nói cách khác, những sự xâm hại, làm tổn hại đến tuổi thọ, sinh trưởng của cây xanh như đã xảy ra đây đó thời gian qua là một điều đáng báo động, cần phải bị xử lý nghiêm. Các chuyên viên am tường địa hạt cây xanh TP nhận xét, nếu như phổ biến về xâm hại hạ tầng có liên quan đến hạ tầng thì mức độ nghiêm trọng từ xâm hại cây xanh lại thuộc về tác động của con người. Thống kê của ngành chức năng cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 212 trường hợp có hành vi xâm hại cây xanh đường phố, một con số đáng báo động.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn nạn xâm hại cây xanh đường phố? Với thâm niên hàng chục năm công tác trong ngành công viên cây xanh, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TPHCM, đơn vị được giao chăm sóc duy tu 98.000 cây xanh toàn thành phố, nhận xét rằng đây là vấn đề không đơn giản nhưng vẫn có thể ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tình huống xâm hại đến cây xanh đường phố. Theo ông Phương, nếu như những tác động đến từ mưa dông, lốc xoáy thuộc về yếu tố thiên nhiên, thời tiết thì những tác động do con người có thể chủ động giải quyết. Biện pháp đó là cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp nhịp nhàng với bên công viên cây xanh. Khi đó, những chuyện cây xanh bị chặt bớt rễ, bị làm lệch tán, bị mé nhánh không đúng cách chắc chắn sẽ không xảy ra, đồng nghĩa với sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố cũng sẽ được bảo đảm hơn.

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục