Chung cư Tân Hương

Cha chung không ai khóc

LẠC PHONG
Cha chung không ai khóc

Vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng, 6 năm kêu ròng rã nhưng lại không ai nghe - chuyện xảy ra ở chung cư Tân Hương (phường Tân Quý quận Tân Phú). Vì sao?

Quyết toán khi hạng mục còn thiếu

Cha chung không ai khóc ảnh 1

Điểm tiếp giáp giữa hai vách tường của chung cư Tân Hương bị nứt, tróc và lồi cả lõi sắt.

Cách nay 10 năm, ngày 15-11-1996 Sở Nhà đất TPHCM có công văn số 1153/CV-KH gửi UBND TP và Hội đồng Thẩm định Dự án đầu tư TPHCM về việc chấp thuận cho Công ty Xây dựng kinh doanh nhà (XD-KDN) Gia Định (nay là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn) quy hoạch xây dựng chung cư tại phường 16 quận Tân Bình (nay đổi tên là chung cư Tân Hương, phường Tân Quý quận Tân Phú).

Chung cư có diện tích đất 1.719m2 cao 4 tầng, gồm 64 căn hộ, tổng kinh phí đầu tư ước tính là 6,2 tỷ đồng. Đến ngày 25-1-1997, UBND TP ký Quyết định số 429/QĐ-UB chấp thuận việc đầu tư xây dựng dự án. Lúc này quyết định duyệt chi phí cho công trình giảm còn 5,72 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải đảm bảo các nguyên vật liệu sản xuất chính, hệ thống cấp thoát nước, điện… theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Sau khi hoàn tất thủ tục xây dựng, chủ đầu tư tổ chức đấu thầu cho từng hạng mục công trình. Năm 1999, chung cư được xây dựng xong, chủ đầu tư chỉ sử dụng 5,5 tỷ đồng, thấp hơn so với dự toán.

Điều kỳ lạ là sau đó công trình được quyết toán nhưng còn thiếu một số hạng mục như cây xanh, đường sá... Một nghịch lý khác: đất thuộc địa bàn Tân Bình nhưng việc bàn giao quản lý về cho Công ty Dịch vụ công ích quận 3 (DVCI), lý do người dân vào ở chung cư này đến từ địa bàn quận 3!

Tiếng kêu vô vọng!

“Bây giờ còn đỡ, lúc mới nhận bàn giao, chung cư bề bộn, đường sá ngổn ngang đất đá, lầy lội. Trời mưa nhà nào cũng bị dột, tường thấm tứ phía…” - ông Vũ Anh Tuấn, Tổ trưởng quản lý chung cư Tân Hương bức xúc.

Không những thế, ngay khi bàn giao quản lý chung cư, đơn vị quản lý đã ghi nhận phản ánh của người dân, trực tiếp mời các ngành chức năng đi khảo sát để làm báo cáo gửi đến các đơn vị có trách nhiệm.

Sau nhiều lần nhận kiến nghị, ngày 26-7-2001, Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng và di chuyển nhà ở trên-ven kênh rạch TP có văn bản gởi UBND TP nêu rõ: Đối với các hạng mục gắn liền với chung cư (sử dụng riêng) như đấu nối lưới điện hạ thế vào nguồn, lắp đặt điện kế cho từng hộ, xử lý hầm tiêu thoát nước tự hoại, hồ ngầm chứa nước… giao Công ty DVCI phối hợp với Công ty KD-XDN Gia Định kiểm tra lại hồ sơ công trình.

Những thiếu sót trên có trong thiết kế dự toán được duyệt thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoàn tất; ngược lại, không có trong thiết kế thì Công ty DVCI lập phương án đầu tư-xây dựng bổ sung bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đề xuất này chỉ nằm trên giấy, vì không có cơ quan nào giải quyết.

Cũng từ đó đến nay, Công ty DVCI nhiều lần gửi văn bản xin tiền để sửa chữa, các văn bản chuyển hết cơ quan này sang đến cơ quan khác, nhưng cuối cùng rơi vào vô vọng! Không thể để người dân “sống trong nỗi sợ hãi”, đơn vị quản lý đã huy động trên 200 triệu đồng tu sửa lại những nơi hư hỏng nặng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ bể. Phải chăng vì cha chung nên không ai khóc?

LẠC PHONG 

Tin cùng chuyên mục