Câu chuyện văn hóa

Chầm chậm nhường nhau

Cũng gần ba năm rồi tôi mới có dịp ghé Cà Mau. Cùng với một đoàn từ thiện về huyện Năm Căn, tôi ngỡ ngàng nhận ra mảnh đất tận cùng phương Nam của Tổ quốc đã phồn vinh hơn rất nhiều. Các loại tàu bè đi lại nườm nượp.

Cũng gần ba năm rồi tôi mới có dịp ghé Cà Mau. Cùng với một đoàn từ thiện về huyện Năm Căn, tôi ngỡ ngàng nhận ra mảnh đất tận cùng phương Nam của Tổ quốc đã phồn vinh hơn rất nhiều. Các loại tàu bè đi lại nườm nượp.

Con sông Cửa Lớn nối biển Đông với biển Tây dù đã được chia nước cho nhiều con sông nhỏ vẫn phăm phăm dòng chảy mạnh mẽ như chứng minh sức sống dâng tràn mỗi con người nơi đây. Giao thông trên sông cũng có “đẳng cấp” như trên đường bộ. Ca nô thì giống như xe hơi, thuyền lớn thì giống xe tốc hành, thuyền nhỏ thì giống xe khách 12 chỗ, còn các loại xuồng tùy theo máy móc gắn theo mà có thể ví như xe máy hoặc xe đạp.

Tôi đi thuyền lớn, ngồi nhìn nắng chiều hắt ngược lên từ mặt sông càng thấy thấm thía vẻ đẹp miền Tây giản dị và sinh động.

Thế nhưng, khi liên hệ với giữa giao thông trên sông với giao thông đường bộ, tôi thoáng rùng mình. Tàu bè đông đúc thế này, xảy ra tai nạn thì khốn. Hơn nữa, thuyền lớn chạy nhanh tạo sóng rất dễ lật thuyền nhỏ. Vậy mà mọi chuyện vẫn bình yên. Thuyền lớn cứ chạy, thuyền nhỏ vẫn cứ chạy. Đường bộ có cảnh sát giao thông, còn trên sông ai điều khiển nhỉ?

Tôi quan sát mới thấy cậu phụ lái khoảng 15, 16 tuổi vắt vẻo nơi mũi thuyền, luôn dõi mắt xa xa và hô to nhằm phát tín hiệu tăng tốc hoặc giảm tốc. Chỉ cần cậu phụ lái cất giọng “Có vỏ lãi!” hoặc “Có tam bản!” thì tài công lập tức chạy chậm lại để… những chiếc thuyền nhỏ cùng lưu thông không bị sóng đánh úp!

Bất ngờ trước các phương tiện hiện đại nhường nhịn phương tiện thô sơ, khi thuyền cập bến tôi bắt chuyện ngỏ lời hoan nghênh văn hóa giao thông sông nước. Cậu phụ lái nhe hàm răng sún ra cười: “Có gì đâu, ông anh. Tụi tui đâu thể biết mình ên chạy nhanh mà bất chấp tính mạng và tài sản của bà con!”. Câu nói ấy đơn giản thôi, vẫn cứ khiến tôi áy náy vì đôi lúc bản thân ứng xử không đẹp khi tham gia giao thông đường bộ.

Có lúc chen lấn, tôi cũng đã cố rồ ga vượt lên người phụ nữ ốm yếu chở hai đứa con nhỏ. Có lúc kẹt xe, tôi cũng đã ranh mãnh đi lấn sang phần đường không phải dành cho mình. Tôi hỏi cậu phụ lái: “Em học lớp mấy rồi?”. Vẫn nét cười răng sún, nhưng đôi mắt có chút mặc cảm không dám nhìn thẳng người đối diện: “Nhà nghèo, học đến lớp 3 thì nghỉ đi làm đò!”. Ôi, người lẽ ra phải xấu hổ quay mặt đi là tôi chứ không phải cậu phụ lái kia. Về ý thức giao thông, trình độ cử nhân của tôi thật đáng ngượng khi đặt cạnh trình độ lớp 3 của cậu phụ lái.

Trở lại TPHCM, với những chộn rộn ở đô thị sầm uất nhất nước bỗng cho tôi một mơ ước nhỏ nhoi: đến một lúc nào đó trình độ văn hóa của chúng ta cũng đồng nghĩa với ý thức giao thông, đến một lúc nào đó tấm bằng đại học có thể giúp tôi làm tấm gương về văn hóa giao thông cho cậu phụ lái ở Cà Mau. Và tôi cũng thầm mơ ước rằng, đến một lúc nào đó sẽ được chứng kiến một vị giáo sư đi ô tô lặng lẽ và hoan hỉ nhường đường cho một cô công nhân đi xe đạp! 

 LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục