Chấm dứt vòng luẩn quẩn

Ngày 19-1, Hội nghị thượng đỉnh về Libya diễn ra tại Berlin. Chính phủ Đức đã mời đại diện lãnh đạo 11 quốc gia, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Algeria cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham dự. 
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli, Libya. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli, Libya. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây là hội nghị lớn đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2018 để bàn cách tháo gỡ cuộc xung đột tại Libya. Hội nghị này hướng tới mục tiêu các cường quốc nước ngoài đang có tầm ảnh hưởng trong khu vực cùng cam kết không tiếp tục can dự cuộc xung đột tại Libya, thông qua việc cung cấp vũ khí, quân đội hoặc tài chính.

Trước đó, ngày 18-1, Tunisia cho biết không thể tham gia hội nghị vì nhận được lời mời quá muộn và không có đủ thời gian để chuẩn bị. Dư luận đánh giá sự vắng mặt của Tunisia tại Hội nghị Berlin sắp tới là một điều đáng tiếc vì Tunisia có 450km đường biên giới chung với Libya và trong thời gian tới có nguy cơ phải đón nhận làn sóng người di cư chạy trốn bạo lực từ quốc gia láng giềng.

Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi. Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) - được Liên hiệp quốc (LHQ) công nhận - và lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) cùng tồn tại với 2 chính quyền và các lực lượng vũ trang riêng. Người đứng đầu GNA, ông Fayez al-Sarraj, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Khalifa Haftar (LNA) được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Từ tháng 4-2019, LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli. 

Thực tế, trước khi có hội nghị lần này cũng đã có một số vòng đàm phán quan chức cấp cao về vấn đề Libya diễn ra tại Berlin trong vài tháng qua nhưng tình hình không khá hơn. Theo Le Monde, thực địa hỗn loạn tại Libya có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc xung đột khu vực với những hậu quả khôn lường. Cũng như cuộc khủng hoảng Syria, các rạn nứt bên trong của người khổng lồ Bắc Phi, gần như bị chia rẽ giữa 2 khu vực - Tripolitania (phía Tây) chống lại Cyrenaica (phía Đông) - đang bị khai thác và trầm trọng thêm bởi sự can thiệp của nước ngoài. Vòng xoáy của sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột Libya đe dọa sự cân bằng hàng hải ở phía Đông Địa Trung Hải và sự ổn định của Bắc Phi và Sahel. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mới đây quyết định triển khai binh lính tới hỗ trợ huấn luyện quân đội GNA khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình xung đột sẽ diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng khó kiểm soát ở Libya thậm chí được gọi là thảm họa địa chính trị khiến cộng đồng quốc tế bất lực và trong mắt của giới chuyên gia, Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại nặng nề. Ngay tại EU cũng có các ý kiến trái chiều về việc ủng hộ các bên ở Libya, nhất là giữa Pháp và Italy.

Tính đến nay, giao tranh ác liệt giữa các bên ở Libya đã khiến hàng ngàn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. Quốc gia Bắc Phi này sẽ chẳng thể yên ổn nếu, như lời đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame, các quốc gia bên ngoài không chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở nước này. Bởi theo ông Salame: “Tất cả những sự can thiệp của nước ngoài đều có khả năng mang đến tác động xoa dịu nào đó trong ngắn hạn”. Nhưng sự can thiệp của quốc tế chỉ khoét sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ người Libya và do đó, “vòng luẩn quẩn này cần phải được chấm dứt”.

Tin cùng chuyên mục