Để ngăn ngừa, xử lý việc xây dựng không phép, sai phép, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) chính quy với trên 1.000 người, có mặt từ cấp phường - xã, quận - huyện đến sở. Thế nhưng, những vụ sai phạm về xây dựng vẫn diễn ra.
Những công trình trái phép quy mô lớn
Từ khi được thành lập năm 2013, lực lượng TTXD đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ sai phạm xây dựng. Người dân vừa mua, tập kết xi măng, gạch, cát trước sân chuẩn bị sửa chữa nhà, đã thấy TTXD xuất hiện kiểm tra giấy phép. Thế nhưng, có một thực tế khó hiểu là nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn nhưng TTXD lại không phát hiện hoặc không xử lý kịp thời.
Nổi cộm là trường hợp xây dựng sai phép tại Trường Trung cấp Tổng hợp TPHCM (514 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp). Giấy phép xây dựng làm nhà ở riêng lẻ, kết cấu bê tông cốt thép, nhưng chủ đầu tư lại xây dựng làm trường học và thay đổi toàn bộ kết cấu bằng nhà tiền chế, xây lố thêm 1 tầng. Trong quá trình thi công, TTXD đã phát hiện, lập biên bản nhưng không cương quyết xử lý. Sau khi Báo SGGP nêu sự việc, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng kiểm tra và sau đó chỉ đạo không chấp thuận hoạt động cơ sở giáo dục đào tạo tại địa điểm nêu trên vì không phù hợp quy hoạch, không đủ điều kiện và tiêu chuẩn xây dựng theo quy định.
Chung cư 4S (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng xây dựng sai thiết kế phê duyệt nhưng TTXD không phát hiện những hạng mục xây dựng sai phép. Mãi đến khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, cư dân chung cư phát hiện nhiều hạng mục xây dựng sai thiết kế phê duyệt nên gửi đơn khiếu nại. Sau nhiều năm công trình được đưa vào sử dụng, TTXD Sở Xây dựng mới vào cuộc thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm. Đó là những vụ đã xử lý hậu quả, vụ sai phạm về xây dựng đang làm nóng dư luận là khu nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh xây dựng tại phường Long Phước, quận 9. Công trình được khởi công xây dựng từ giữa năm 2015, với nhiều hạng mục lớn như tường rào, nhà, sân, cổng, với diện tích xây dựng trên 500m2. Vậy mà mãi đến giữa tháng 2-2016, khi công trình gần xong, TTXD mới lập biên bản và đề nghị cơ quan chức năng xử lý vì công trình xây dựng không có giấy phép mà còn xây dựng trên đất nông nghiệp. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, dung túng và thiếu cương quyết trong công tác TTXD, thì đâu xảy ra những sai phạm xây dựng quy mô đến vậy.
Công trình Trường Trung cấp Tổng hợp TPHCM xây dựng sai phép, đã bị buộc phải trả lại công năng làm nhà ở
Liều sai phạm để được hợp thức hóa
Theo quy định về thẩm quyền của thanh tra viên, khi phát hiện công trình sai phạm, TTXD phải lập biên bản ngưng thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm, kiến nghị chủ tịch UBND cấp xã - phường ban hành quyết định đình chỉ thi công hoặc cưỡng chế tháo dỡ công trình. Đối với việc xử lý công trình không phép, phải lập biên bản, buộc chủ đầu tư tháo dỡ công trình. Trường hợp chủ đầu tư không tự ngưng thi công, sẽ bị buộc đình chỉ thi công, tháo dỡ công trình. Thực tế cho thấy, TTXD có thể không phát hiện, hoặc chủ đầu tư và TTXD bắt tay nhau để lơ không xử lý sai phạm về xây dựng, nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, thì chủ đầu tư sẽ phải tháo dỡ phần vi phạm.
Theo luật gia Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam), các công trình sai phạm về xây dựng như xây dựng trên đất nông nghiệp, không có giấy phép xây dựng, sẽ phải tháo dỡ. Nếu như TTXD phát hiện sớm sai phạm, đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng, thì sẽ không có việc tháo dỡ công trình, tránh được thiệt hại quá lớn. Từ việc xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép, cho thấy sai phạm về xây dựng sớm muộn gì cũng bị phát hiện. Đối tượng chịu thiệt hại chính là chủ đầu tư công trình. Do vậy, các chủ đầu tư không nên chọn giải pháp cứ liều xây dựng để được hợp thức hóa. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp bất động sản, ngoài thiệt hại về vật chất, chi phí tháo dỡ công trình sai phạm và chi phí đầu tư xây dựng lại, còn thiệt hại về thương hiệu doanh nghiệp.
TRẦN YÊN