Quyết định 33/2014 quy định diện tích tối thiểu tách thửa đã được thực hiện 2 năm nay. Đầu năm 2016, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM cho rằng một số quận - huyện hiểu sai chủ trương; đồng thời đề nghị xử lý các trường hợp tách thửa để kinh doanh, mua bán đất, đã làm hàng ngàn người dân mua nền đất vô cùng hoang mang, lo lắng.
Quy định chưa rõ hay cán bộ hiểu sai?
Ngày 15-10-2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu tách thửa thay thế Quyết định 19. Nội dung Quyết định 33 quy định cụ thể đối với thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi trừ lộ giới, diện tích tối thiểu ở từng khu vực, loại đất ở chưa có nhà và đất ở có nhà hiện hữu. Tách thửa phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và nối kết, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Bên cạnh những quy định về kỹ thuật là quy định trách nhiệm UBND quận - huyện nhằm đảm bảo khu đất mới hình thành đảm bảo diện tích đã quy định và có hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện. Thực hiện Quyết định 33, nhiều quận - huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch để tổ chức tách thửa theo quy định. Nhiều khu đất đã được đầu tư hạ tầng, chuyển sang làm nhà ở. Hai năm qua đã có hàng trăm khu đất được tách thửa, phân nền làm nhà ở nhiều quận - huyện vùng ven có nhu cầu đô thị hóa cao.
Trong khi quận, huyện đang làm thủ tục cho phép người dân đầu tư xây dựng hạ tầng, tách thửa đất và tiến hành xây dựng nhà ở, tháng 1-2016, Sở TN-MT ban hành văn bản 142/2016 chấn chỉnh việc thực hiện tách thửa diện tích tối thiểu theo Quyết định 33; cho rằng các quận - huyện đã hiểu sai, nên thực hiện không đúng quy định. Quyết định 33 cho phép hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và có nhu cầu tách thửa do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở, chứ không phải chuyển nhượng nhà đất, kinh doanh bất động sản. Cán bộ một số quận - huyện lại cho rằng họ đã thực hiện đúng, Quyết định 33 không có điều nào cấm người dân, doanh nghiệp đầu tư làm hạ tầng và mua bán, sang nhượng sau khi nền đất mới hình thành.
Người dân và chủ đầu tư hoang mang
Sau nhiều năm hạn chế tách thửa, Quyết định 33 với những quy định thoáng và cụ thể đã phần nào tháo gỡ bế tắc về đất ở đô thị và giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người dân. Đối với hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp thì đây là cơ hội mua đất nền, xây dựng nhà tạo lập chốn an cư. Mặc dù hạ tầng các khu dân cư tách thửa theo Quyết định 33 không hiện đại, quy mô như những dự án lớn, nhưng cũng tránh được sự manh mún, thiếu hạ tầng như kiểu tự phát.
Từ đầu năm 2016, khi có Văn bản 142 của Sở TN-MT TPHCM, thủ tục tách thửa tại các quận - huyện chững lại, còn người dân đã mua đất nền ở những khu tách thửa vô cùng hoang mang, lo lắng. Anh Bùi Văn Bốn (ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) giãi bày rằng đã mua nền đất theo đúng quyết định phê duyệt quy hoạch và biên bản nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật của quận. Hợp đồng mua bán đất được thực hiện tại phòng công chứng, được ngân hàng bảo lãnh, nhưng không biết có được làm nhà hay không. Qua khảo sát cho thấy phần lớn người mua đất tại các khu tách thửa theo Quyết định 33 là công nhân, người lao động nghèo, còn người trong gia đình chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Khu dự án với nền đất có diện tích vừa và nhỏ nhưng hạ tầng đầy đủ ở quận Thủ Đứcđược nhiều người dân lựa chọn
Văn bản 142 của Sở TN-MT không chỉ làm người dân hoang mang mà các chủ đầu tư đã đầu tư làm hạ tầng tách thửa cũng như ngồi trên lửa. Một số chủ đầu tư cho biết, việc đầu tư hạ tầng đến tách thửa đều được quận - huyện cho phép và nghiệm thu hạ tầng đảm bảo, trước khi bán nền đất cho khách hàng. Khi nghe thông tin không cho phép tách thửa để kinh doanh, mua bán, nhiều khách hàng đã xin hủy hợp đồng, lấy lại tiền, đã đẩy nhà đầu tư vào cảnh khó khăn.
Để người dân TPHCM được sống trong ngôi nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, ở khu dân cư có hạ tầng đầy đủ, cây xanh mát, là mong muốn của dân cũng như chính quyền. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị để tránh tách thửa, đầu tư làm dự án tự phát là cần thiết, nhưng cũng cần quan tâm đến chỗ ở của công nhân, người có thu nhập thấp. Vì thế, Quyết định 33 có điểm nào không rõ, chưa hợp lý thì cần chỉnh sửa, nhưng đừng quên quyền lợi của chủ đầu tư và hàng trăm ngàn người dân đã mua đất hợp pháp, ngay tình, với mục đích thiết thực, chính đáng là tạo dựng nhà ở.
Trong bài viết “Chạy” Quyết định 33 đăng trên trang 3 Báo SGGP số ra ngày 29-3, có đoạn viết: “Anh Hoàng, ngụ ấp Đông 1, gọi điện báo chúng tôi: “Có 3 khu phương án hạ tầng mới đổ đất hôm 20-3, nay đã phân lô xây nhà. Họ làm suốt đêm, sáng dậy đã thấy nhà mọc lên trên những thửa ruộng. Nhiều khu nhà xung quanh cũng “ăn theo” xây ào ào, chẳng phép tắc gì”. Ngay sau khi báo đăng, một số đối tượng đã đến nhà ông Đỗ Minh Hoàng, ngụ 63/2 C ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, quậy phá, có hành vi đe dọa gia đình ông Hoàng, cho rằng ông Hoàng cung cấp thông tin trên cho Báo SGGP.
Về nội dung trên, qua xác minh từ tác giả, Báo SGGP khẳng định người gọi điện cung cấp thông tin trên không phải ông Đỗ Minh Hoàng. Đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi đe dọa, quậy phá của các đối tượng xấu và bảo vệ gia đình ông Hoàng.
TRẦN YÊN