
Sự giàu có của một nước Nga mới đã sinh ra một tầng lớp siêu giàu. Có những người giàu hợp pháp nhưng cũng có không ít ông trùm đi lên bằng đủ mánh khóe...
Hồng y Boris Berezovksy

Không gương mặt oligarch nào quen thuộc với giới thông tin thế giới bằng Boris Berezovksy. Chính nhân vật này đã giúp “nổi tiếng” thuật từ oligarch trên làng báo chí thế giới. Sinh tại Moscow năm 1946, Berezovksy là con duy nhất trong gia đình một thầu xây dựng, đỗ tiến sĩ toán và lý và từng làm việc tại Viện khoa học kiểm soát danh tiếng nước Nga. Tuy nhiên, thời gian này, không ai biết đến một khoa học gia Berezovksy mà chỉ nghe nói đến một diễn giả Berezovksy, khi ông tổ chức hết hội thảo này đến hội thảo kia, trong cũng như ngoài nước, nhằm xin… tài trợ.
Kế tiếp, Berezovksy kinh doanh phần mềm máy tính rồi xe hơi. Berezovksy đếm những triệu đô la đầu tiên của mình từ doanh nghiệp xe hơi Avtovaz. Sau đó, Berezovksy trở thành nhà quản lý hãng hàng không Aeroflot, Công ty dầu Sibneft; hầu hết trong công nghiệp nhôm Nga và mạng truyền hình lớn nhất Nga ORT.
Nhờ quan hệ lâu dài với Boris Yeltsin, Berezovksy trở thành “người nhà” Yeltsin. Năm 1996, Berezovksy đứng sau hậu trường vận động chiến dịch các ông trùm giàu nhất Nga ủng hộ cuộc tái tranh cử của Yeltsin. Đáp lại, Yeltsin bổ nhiệm Berezovksy chức phó bí thư Hội đồng An ninh quốc gia rồi bí thư Tổ chức Điều phối cộng đồng chung các nước độc lập (CIS).
Năm 1999, Berezovksy giành một ghế trong Hạ viện (Duma) nhưng 6 tháng sau, dưới sức ép từ tân Tổng thống Vladimir Putin, Berezovksy từ chức và chuồn khỏi nước. Viện Tổng công tố Nga quy kết Berezovksy tội biển thủ và rửa tiền. Sống lưu vong tại Anh và Pháp (căn biệt thự tại Cap d’Antibes, Nam nước Pháp, trị giá 30 triệu USD), Berezovksy có gia sản ước tính 3 tỷ USD - theo Forbes.
Mệnh danh “giáo chủ áo xám” (grey cardinal), Berezovksy từng cho mình là kẻ tạo nên vương triều trong lịch sử chính trường Nga cận đại. Năm 1996, tờ Forbes từng đăng tin Berezovksy là trùm của các ông trùm giang hồ Nga. Việc này khiến Berezovksy điên tiết và đâm đơn kiện. Hiện thời, Berezovksy đang bị Thụy Sĩ điều tra một số cáo buộc liên quan rửa tiền.
Tháng 8-2007, Phòng công tố Nga cho biết cảnh sát thuế Hà Lan cũng đến Moscow điều tra một vụ rửa tiền liên quan Berezovksy. Ngày 3-4-2008, Moscow cáo buộc Berezovksy đứng đằng sau vụ ám sát nhà báo Anna Politkovskaya (ngày 7-10-2006).
Công tử bột Oleg Deripaska
Sinh năm 1968, Oleg Deripaska là tỷ phú trẻ nhất Nga thời điểm hiện tại. Xây dựng doanh nghiệp từ bàn tay trắng, Deripaska là điển hình của di sản Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Deripaska còn là cậu sinh viên 23 tuổi Đại học Moscow. Không lâu sau, Deripaska làm việc trong thị trường kinh doanh thép. Đến trước 1994, Deripaska là Trưởng phòng Tài chính Công ty thép Aluminprodukt. Tích cóp, Deripaska mua cổ phần trong một nhà máy luyện kim Siberia. Kế tiếp, Deripaska nắm ghế quản lý nhà máy, bảo vệ khỏi sự tái chiếm của người chủ cũ, kẻ từng dọa giết Deripaska bằng lựu đạn. Sau đó, Deripaska mua cổ phần trong Transworld Group (trụ sở tại Anh) - lúc đó thuộc sở hữu nhà triệu phú Mikhail Chernoi.
Cùng đối tác Roman Abramovich, Ole Deripaska lập liên doanh Russian Aluminum (RusAl) vào năm 2000. Hiện tại, RusAl có doanh số 4 tỷ USD/năm và là nhà sản xuất nhôm lớn thứ nhì thế giới. Cổ phần Deripaska trong RusAl chiếm 75%. Ngoài công nghiệp nhôm, Deripaska còn đầu tư các nhà máy điện, sản xuất xe hơi (GAZ), sản xuất máy bay (Aviacor), thị trường bảo hiểm (Ingosstrakh Insurance) và công nghiệp giấy…
Deripaska dính dáng gì đến “triều đại” Boris Yeltsin? Vợ Deripaska không ai khác hơn là Polina Yumashev, con gái cựu chánh văn phòng tổng thống của Yeltsin - người lập gia đình với ái nữ của Yeltsin. Như vậy, Deripaska là cháu rể của Yeltsin. Đó là lý do tại sao báo chí Nga gọi Deripaska là cậu “công tử bột”.
Deripaska sống xa hoa không kém Roman Abramovich. Trong suốt một năm, Deripaska từng bay sang London mỗi cuối tuần cốt để “luyện giọng” tiếng Anh. Cuối năm 2000, một công ty từng đâm đơn kiện Deripaska tại tòa New York, tội hối lộ. Tuy nhiên, tòa New York bác đơn do thiếu chứng cứ. Dù vậy, Deripaska vẫn bị cấm vào Mỹ (và có lần bị cấm đến Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Davos tổ chức tại Thụy Sĩ).
Deripaska phản đối công khai việc Nga xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều lần bốp chát với Đại sứ Mỹ tại Nga Alexander Vershbow. Năm 2008, chuyên san Forbes cho biết gia tài Deripaska có thể lên đến 28 tỷ USD.
Mikhail Fridman
Sinh năm 1964 tại Lvov ở biên giới Tây Ukraine, Mikhail Fridman là một trong những ông trùm làm giàu cực nhanh từ tay trắng. Nơi làm việc đầu tiên là Viện Thép và hợp kim Moscow và ít người biết rằng Fridman lúc đó chỉ là nhân viên tạp vụ. Ngoài thời gian “làm nhà nước”, Fridman cai quản một discotheque và bán vé chợ đen tại rạp Moscow.
Thời Mikhail Gorbachev, Fridman và nhóm bạn học cũ lập một siêu thị. Năm 1988, Fridman mở cửa hàng ảnh Alfa Foto, sau đó là công ty kinh doanh vật dụng sinh hoạt ALFA/EKO và cuối cùng là Ngân hàng AlfaBank, nơi hiện là một trong những ngân hàng lớn nhất Nga (Fridman thậm chí tuyển cựu Bộ trưởng Ngoại thương Peter Aven làm việc cho mình).
Sau loạt thương vụ cổ phiếu gian lận, Fridman đưa mình lên hàng triệu phú và bắt đầu mua nhiều cổ phần quan trọng trong công nghiệp dầu. Cách đây không lâu, Fridman bán 50% trong Tyumen Oil cho Công ty Anh British Petroleum với giá 6,75 tỷ USD và thành lập TNK-BP (hiện là công ty khai thác dầu lớn hàng thứ 10 thế giới và thứ ba tại Nga). Ngoài ra, Fridman (gia sản ước tính 12,6 tỷ USD) còn có cổ phần trong công nghiệp viễn thông (Golden Telecom và Vimpelcom); dây chuyền buôn sỉ Trade House Perekriostock; công ty sản xuất vodka Smirnov Trade House...
Trong quan hệ chính trường, Fridman là một trong 7 oligarch thân cận nhất của Boris Yeltsin, giúp tài trợ chiến dịch tái tranh cử của Yeltsin năm 1996. Vợ và hai con Fridman hiện sống tại Paris. Một trong những tai tiếng liên quan là vụ tàu dầu Prestige thuộc Công ty Fridman chìm ngoài khơi Tây Ban Nha vào năm 2002 và gây vết dầu loang gần 500km mà Fridman gần như hoàn toàn lảng tránh trách nhiệm.
Bài 2: Ông trùm biết “sống cho đúng nghĩa”
Phúc cẩm