Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi hiệu trưởng các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường cao đẳng và TCCN trên địa bàn TPHCM về danh sách học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ trong tháng 10-2013. Theo đó, có tất cả 38 trường hợp học sinh vi phạm, trung bình hơn 1 học sinh vi phạm/ngày. Lỗi vi phạm chủ yếu của các em là chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, không xuất trình được giấy phép lái xe, bảo hiểm xe và giấy đăng ký. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm do không tuân thủ luật quy định về an toàn giao thông đường bộ như xe không gắn gương chiếu hậu, không đội nón bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông, chuyển hướng sai quy định hoặc lưu thông trái phép trong đường cấm.
Nhìn chung, các lỗi vi phạm đều không mới. Mỗi tháng đều có vài chục trường hợp học sinh vi phạm như thế. Căn cứ vào danh sách thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TPHCM), Sở GD-ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc rà soát, phối hợp thông báo với cha mẹ học sinh để hạn chế tình trạng vi phạm. Riêng về hình thức xử phạt, sở đề nghị hạ bậc hạnh kiểm trong học kỳ đối với những học sinh vi phạm các lỗi không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, pô xe không có bộ phận giảm thanh, tự ý thay đổi kết cấu máy xe và các trường hợp vi phạm từ 3 lỗi trở lên. Đây được xem là một trong những nỗ lực của TPHCM trong việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh vi phạm luật giao thông, góp phần bảo vệ tính mạng và sự an toàn cho các em ở ngoài cổng trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý, con số thống kê 38 trường hợp vi phạm trong tháng qua thật ra mới chỉ phản ánh bề nổi. Trên thực tế, con số vi phạm cao hơn rất nhiều lần. Nhân viên bảo vệ một trường THPT trên địa bàn quận 3 cho biết, ngoài các lỗi thể hiện rõ ràng không thể che giấu như xe chở quá số lượng người quy định, thiếu gương chiếu hậu, pô xe không có bộ phận giảm thanh, học sinh hiện nay có rất nhiều cách “ngụy trang” để né cảnh sát giao thông. Những em chưa đến tuổi điều khiển xe máy sẽ mang theo quần áo khi đến lớp. Tan học, các em tìm mọi cách che giấu đi bộ đồng phục đang mặc trên người, thay vào đó là kiểu ăn mặc, phụ kiện y như người lớn. Nữ mặc váy chống nắng, đeo kính râm, khẩu trang che tận mắt. Nam khoác áo sơ mi dài tay, giấu cặp táp trong cốp xe. Nhiều em thậm chí không gửi xe ở bãi giữ xe trong sân trường để tránh bị giám thị phát hiện mà gửi ở nhà dân, siêu thị, bệnh viện, tòa nhà, trung tâm thương mại gần đó. Đây được xem là một trong những hình thức đối phó. Nói như chia sẻ của hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận 4, đội ngũ nhân viên nhà trường có hạn, chỉ có thể quản lý, kiểm tra học sinh trong khuôn viên nhà trường. Ngoài cổng trường, do số lượng học sinh ra về cùng lúc quá lớn nên dù có hợp tác với các tổ dân phòng, lực lượng công an địa phương nhưng việc kiểm soát ý thức chấp hành luật giao thông của các em vẫn là bài toán khó.
Bên cạnh đó, quy định hạ một bậc hạnh kiểm đối với những học sinh vi phạm hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các em. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông đối với phụ huynh còn quá kém khiến trong nhiều gia đình, chính bố mẹ là người tiếp tay cho con vi phạm. Do đó, để hạn chế từ gốc tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông, cần nhiều hơn nữa sự phối hợp từ phía gia đình và nhà trường. Song song với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền luật giao thông, quy định về mức xử phạt người vi phạm cần tăng mạnh để tạo hiệu quả răn đe, góp phần thay đổi hành vi tham gia giao thông ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
THANH THU