Chặng đường 23 năm giảm nghèo ở TPHCM: Khơi dậy sức dân

Chăm lo toàn diện
Chặng đường 23 năm giảm nghèo ở TPHCM: Khơi dậy sức dân

Đến thời điểm này, TPHCM chỉ còn khoảng 17.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,89% tổng hộ dân TP) có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm. TPHCM đã hoàn thành Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014-2015) và đây cũng là dấu mốc cuối của chặng đường 23 năm TP thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập.

Chăm lo toàn diện

Tuy xác định chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập nhưng các chính sách, giải pháp hỗ trợ chăm lo của TPHCM được thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, cho vay vốn ưu đãi là giải pháp chủ yếu và quan trọng giúp hộ nghèo tự tạo việc làm, mở mang sản xuất kinh doanh. Hơn 60% hộ nghèo và gần 48% hộ cận nghèo TP được vay vốn, vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, ngụ xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) là một trường hợp như thế.

Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, vợ ông - bà Thái Thị Thức, là con gái út trong nhà. Từ nhỏ, bà được cưng chiều, không phải làm gì. Hơn 10 năm trước, ông nghỉ mất sức, đồng lương hưu không nhiều nhặn gì. Con trai đang học cấp 2, vợ nội trợ, không có thu nhập. Gia đình vì thế rơi vào cảnh nghèo. Ông cũng động viên vợ xoay xở việc làm thêm, song phần chưa quen việc, phần những người lớn trong gia đình tỏ ý không bằng lòng. “Thế mà được những chị em phụ trách công tác giảm nghèo trong ấp, trong xã rủ rỉ, bà Thức mạnh dạn vay 7 triệu đồng, bắt đầu làm tranh giấy gia công” - ông Hùng phấn chấn trước sự thay đổi của vợ. Có nghề phụ, cả gia đình quây quần làm lụng. Nhờ đồng vốn tích cóp và vay mượn thêm vốn giảm nghèo, năm 2009, gia đình ông Hùng chuyển sang trồng phong lan cắt cành. Năm 2010, sau đợt lan đầu tiên được thu hoạch, gia đình ông Hùng bà Thức đã vượt nghèo. Mới đây, gia đình tiếp tục được địa phương kết nối giúp vay ưu đãi 500 triệu đồng, được đi tham quan áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp ở Hàn Quốc. Hiện vườn lan nhà ông Hùng đã mở rộng lên hơn 40.000 giỏ trên diện tích hơn 2.500m², mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Bà Thái Thị Thức đã thoát nghèo nhờ được vay vốn trồng lan. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Thức rạng rỡ cho biết thêm cả bà và ông được kết nạp Đảng. Hình ảnh người phụ nữ quẩn quanh trong nhà đã lùi vào quá khứ. 6 năm trở lại đây, bà Thức xông xáo tham gia công tác phụ nữ ở địa phương và hiện là trưởng ấp 1 kiêm tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo số 1 ở xã Qui Đức. Gia đình bà góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho 3 lao động nghèo và hướng dẫn kỹ thuật cho 5 hộ cùng trồng phong lan ở địa phương. “Sự hỗ trợ tiếp sức của địa phương giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm tham gia hoạt động xã hội. Đây cũng là cơ sở để tôi có dịp vận động, nhân rộng các mô hình thoát nghèo.” - bà Thức chia sẻ.

Cũng như bà Thức và gia đình, hàng trăm ngàn người nghèo cũng được TP khơi dậy, phát huy nghị lực, ý chí vươn lên.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trong khi đó, cả ba chị em Nguyễn Thị Thu Dung (ngụ phường 2, quận Bình Thạnh), vượt qua nỗi tai ương khi mẹ bị tai biến, đều lần lượt trở thành y sĩ, điều dưỡng và bác sĩ nhờ nhiều lần được trợ vốn làm hàng thủ công tại nhà và nhờ số tiền học bổng đỡ đầu mà địa phương vận động trao tặng. Tương tự, hai con của chị Đoàn Thị Triệu (ngụ phường 13, quận 5) cũng được phường chăm lo, tặng học bổng nhiều năm liền. Con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc ở UBND phường. Con trai út đã học xong trung cấp nghề, có việc làm ổn định. Đây là một số điển hình trong mô hình giảm nghèo gắn với kiên trì chăm lo học chữ và học nghề của con em hộ nghèo. Từ đó, nhiều hộ nghèo quan tâm, kiên trì cho con em học đến nơi đến chốn, có cơ hội có việc làm thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo một cách căn cơ, vững chắc.

Nhờ chương trình Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chị Bùi Thị Vàng ở xã Quy Đức, huyện Bình Chánh (TPHCM) có việc làm, đã thoát nghèo. Ảnh: CAO THĂNG

Đặc biệt, thể hiện trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nhiều đảng viên đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ cho một hộ nghèo tại nơi cùng sinh sống. Thành phố còn có riêng mô hình thể hiện sự quan tâm thích đáng đối với hộ nghèo có chủ hộ là nữ. Tại các quận 2, 3, 5, 10…, nhiều chị em thoát nghèo nhờ được giới thiệu giúp việc gia đình, hành nghề xe ôm, làm hàng gia công. Riêng 20 xã, phường nghèo trọng điểm (thuộc quận 9 và 5 huyện ngoại thành), từ năm 2001-2008, TP đã đầu tư 324 hạng mục công trình kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới, đã làm chuyển biến mạnh mẽ diện mạo địa phương và đời sống hộ nghèo. Tốc độ giảm nghèo ở các xã, phường này luôn đạt từ 4-10%/năm.

Ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM nhìn nhận, xuyên suốt 23 năm qua đã minh chứng và khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Từ những năm đầu mới khởi xướng, giờ đây đã trở thành một chương trình mục tiêu giảm nghèo độc lập, có tính chủ động, sáng tạo. Chủ trương xã hội hóa đã khơi dậy sức dân chăm lo cho dân, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi và rộng khắp. Về thành công nổi bật của chương trình, theo ông Trương Văn Lương, TP xác định đây không phải là một phong trào từ thiện xã hội, bao cấp đơn thuần mà TP đã tác động, hỗ trợ bằng chính sách để người nghèo tự tổ chức cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Phương châm “không cho cá mà hỗ trợ cần câu và hướng dẫn cách câu cá” trở thành yếu tố quyết định thành công của chương trình giảm nghèo ở TPHCM.

Những con số

- Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình trong 23 năm là hơn 7.136 tỷ đồng. Trong đó, 3.721 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, hơn 3.414 tỷ đồng từ nguồn vận động.

- Hơn 33.000 lao động được miễn giảm học phí đào tạo nghề; 13.000 lao động nghèo được nhận việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

- Gần 954.000 lượt học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp với tiền bình quân 665.000 đồng/lượt.

- Hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ thành phố đến phường - xã với hơn 360 người. TPHCM cũng là địa phương duy nhất có mô hình đặc thù là tổ tự quản giảm nghèo, với hơn 3.500 tổ.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục