Theo lãnh đạo Thanh tra TPHCM, năm 2013 toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt về thanh tra kinh tế, xã hội theo kế hoạch, giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng ngành. Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Đình Chiến, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đạt kết quả thấp… Trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này, ông Lâm Đình Chiến cho biết:
Năm qua, số vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý không nhiều. Ngoài vụ Lê Quốc Cường, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, bị khởi tố điều tra về hành vi tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước, còn lại là những vụ việc nhỏ lẻ, giá trị tài sản thấp. Người dân phản ánh ở ngành nào, cấp nào cũng có dấu hiệu tham nhũng nhưng đấu tranh, phát hiện của cơ quan chức năng rất ít, nhiều nơi không phát hiện được vụ tham nhũng nào, trong khi người dân chỉ đích danh đủ mọi chuyện ở đây.
- PV: Những nơi được cho là có dấu hiệu tham nhũng thuộc những ngành nào, thưa ông?
>> Ông LÂM ĐÌNH CHIẾN: Công tác cải cách hành chính những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song người dân phản ánh tại nhiều cơ quan hành chính vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn để trục lợi. Cụ thể như người dân đi làm thủ tục về nhà đất, xây dựng, thuế, tư pháp, hải quan… cho biết muốn nhanh và không bị gây khó đều phải xì tiền. Ít thì vài trăm ngàn đồng, có khi hàng chục triệu đồng. Đó là hành vi tham nhũng và được gọi là tham nhũng vặt. Chuyện này muốn dẹp không khó nếu người đứng đầu ở những nơi này quyết liệt làm.
- Từ các cuộc thanh tra về kinh tế, xã hội, ngành thanh tra có phát hiện được sai phạm liên quan đến tham nhũng?
Kết quả thanh tra năm qua đã phát hiện 122/421 đơn vị có sai phạm về kinh tế với giá trị gần 130 tỷ đồng và hơn 66.000m2 đất. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi hơn 95 tỷ đồng. Hiện cơ quan thanh tra đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 9 vụ thanh tra phát hiện có sai phạm liên quan đến tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.
- Ngành thanh tra đánh giá tình hình tham nhũng hiện nay diễn biến phức tạp, khó phát hiện. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Mức độ phức tạp của tham nhũng hiện nay ở hành vi có tổ chức, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và các chính sách liên quan chưa hoàn thiện để cấu kết với nhau làm sai nhằm hưởng lợi; lập các doanh nghiệp sân sau rồi thông qua hình thức ủy thác, môi giới dịch vụ… để móc túi dân và trốn thuế; làm sai lệch hoặc kiến nghị điều chỉnh các thủ tục hành chính, các quy định pháp luật liên quan để tạo ra yếu tố thuận lợi cho một số đơn vị, doanh nghiệp…
- Thời gian qua, cơ quan chức năng và người dân có phát hiện được vụ tham nhũng nào không, thưa ông?
Những kiểu tham nhũng kể trên rất khó phát hiện. Người dân hầu như không tố giác được vụ nào, không hẳn vì sợ bị trù dập, trả thù, mà còn do luật pháp chúng ta chưa khuyến khích người dân tham gia tố giác tham nhũng. Mặt khác, ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò giám sát, nên người dân còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc, thậm chí tiếp tay cho tham nhũng.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng hiện nay?
Nguyên nhân của tình trạng tham nhũng đã được nhiều nơi, nhiều cấp nói đến. Theo tôi, nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm người đứng đầu và cấp ủy Đảng đã thiếu quan tâm chỉ đạo, có nơi buông lỏng lãnh đạo. Nơi nào mà người đứng đầu và cấp ủy Đảng có thái độ kiên quyết và có trách nhiệm chính trị cao, tôi nghĩ nơi đó sẽ không có đất sống cho tham nhũng. Hay nơi nào để xảy ra tham nhũng, nếu chúng ta xử thật nặng người đứng đầu và cấp ủy Đảng ở đó, tôi nghĩ cũng có tác động răn đe.
- Thời gian qua, chúng ta đã ban hành nhiều quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, việc này tác động phòng ngừa đến đâu?
Quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay đã khá hoàn thiện, nhưng thực tế ít nơi thực hiện. Cụ thể, về quy định tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhiều năm qua có thấy cá nhân, đơn vị nào thực hiện đâu. Rồi quy định về chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch hóa tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức…, kết quả thực hiện cũng rất thấp. Hay việc quan tâm, chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến tham nhũng và hành vi tham nhũng, nhiều nơi, nhiều cấp thực hiện chưa tốt, cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phức tạp hiện nay.
- Năm 2014, Thanh tra TP tập trung vào những lĩnh vực nào để góp phần hạn chế tham nhũng?
Kế hoạch thanh tra năm 2014 đã được phê duyệt tập trung chủ yếu vào thanh tra các lĩnh vực về sử dụng vốn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, về quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, cấp phép đầu tư… Ngoài ra, ngành thanh tra cũng sẽ tăng cường thanh tra về phòng chống tham nhũng, thanh tra trách nhiệm của người đúng đầu và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong đấu tranh, phát hiện tham nhũng ở những đơn vị thanh tra phát hiện có sai phạm để đưa ra xử lý một số vụ trọng điểm có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng hiện nay.
HOÀI NAM (thực hiện)
| |