Gần đây, liên tục có nhiều bạn đọc bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh tình trạng một số người chiếm dụng bờ kênh dọc theo đường Võ Văn Kiệt (quận 1 và quận 5, TPHCM) để buôn bán hàng ăn uống, tính giá trên trời.
Hàng ngày, tầm 4 giờ chiều, tại dạ cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5) một số người đã ra trải bạt kín bờ kênh “xí chỗ” trước, rồi buộc những người muốn ra ngồi bờ kênh hóng gió phải mua đồ ăn, thức uống.
Bạn đọc Tạ Hồng Liên (ngụ đường Nguyễn Văn Đừng, quận 5) bức xúc: “Trước đây, chiều nào tôi cũng đưa 2 đứa cháu ra đây tập thể dục và ngồi hóng gió nhưng cả tháng nay không dám ra, vì nơi này đã không còn là nơi công cộng. Lúc đầu không biết nên tôi vừa ngồi xuống là có người tới hỏi uống gì. Khi biết tôi ngồi chơi và coi cháu, họ nói chỗ họ đã trải bạt, muốn ngồi phải uống nước. Kể từ đó, tôi không ra đây nữa”.
Bạn đọc Ngô Thúy, nhà đối diện bờ kênh tại khu vực này, cho hay: “Trước đây nơi này tập trung rất nhiều người ra dạo mát, tập thể dục, đá bóng. Thế nhưng mấy bữa nay, nơi đây bị một nhóm người đến chiếm dụng bán nước và đồ ăn vặt giá “cắt cổ”. Nơi công cộng bị biến thành chỗ bán hàng của nhóm người này, khiến người già mất nơi tập thể dục, tụi trẻ mất nơi vui chơi”.
Cầu đi bộ cầu Móng (quận 1) cũng bị chiếm dụng như vậy. Nơi đây từng thu hút rất nhiều bạn trẻ tới hóng mát do trên cao, yên tĩnh và không gian đẹp, nay đã bị một số người chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán. Buổi chiều tối, khách dạo mát muốn có một chỗ ngồi hóng gió trên cầu phải chi tiền ăn uống và những người bán hàng rong này có dịp “chặt chém” với giá như nhà hàng sang trọng.
Bạn đọc Lê Nguyễn Bích Kiều phản ánh: “Từ Gia Lai xuống TPHCM chơi, tôi cùng 3 người bạn rủ nhau đi dạo cầu Móng. Sau một hồi chật vật gửi xe, cả nhóm được một phụ nữ đon đả mời ngồi và chỉ vào quầy nước cùng các đồ ăn vặt kế đó. Chị Kiều phản ánh: “Lúc đó đã 8 giờ tối lại là chủ nhật nên khá đông đúc, để có một chỗ ngồi trò chuyện chúng tôi đành ngồi xuống theo hướng dẫn của người phụ nữ và gọi 4 ly trà chanh, 2 bánh tráng nướng, 10 trứng cút, 1 dĩa hạt hướng dương, 1 thanh kẹo cà phê. Khi kêu tính tiền, một phụ nữ khác ra tính 240.000 đồng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Một người bạn của tôi thắc mắc thì ngay lập tức chị ta đổi giọng chanh chua: “Tưởng giờ này ra đây là có chỗ ngồi miễn phí à, công tụi này giữ chỗ từ chiều tới giờ đó!”. Không muốn đôi co chỗ đông người, hơn nữa thấy ánh mắt hung tợn của một người đàn ông đứng kế đó nên chúng tôi trả tiền và tự hứa không bao giờ đặt chân lên cây cầu này nữa”.
Tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, tối 12-6 chúng tôi đã thử đến cầu Móng, khi đang tìm nơi gửi xe để lên cầu, chúng tôi được một phụ nữ mang bụng bầu nhiệt tình ra chỉ dẫn nơi gửi xe và còn dẫn lên tận trên cầu. Vừa lên tới nơi chị liền lấy báo ra trải xuống và mời ngồi, thấy chúng tôi còn lưỡng lự, một bé trai lại kéo chúng tôi vào và luôn miệng nhắc: “Ngồi đây nè chị, nhanh không một lát hết chỗ”.
Đã cảnh giác nơi này thường xảy ra tình trạng “chặt chém” nên chúng tôi hỏi giá nước trước, bé trai trả lời: “Tụi em tính tiền sau”. Và rồi sau đó chúng tôi vẫn phải móc túi trả 120.000 đồng cho 1 ly trà chanh, 1 lon nước ngọt và 1 dĩa hạt hướng dương. Ngoài những phụ nữ đon đả mời chào uống nước và mấy đứa trẻ chèo kéo khách còn có 2 người đàn ông với hình xăm chằng chịt trên tay đứng trông coi khách hàng, nên dù bị tính giá nào cũng không ai dám cự cãi. Những bạn trẻ từ nơi khác tới hoặc những đôi tình nhân ít khi tới đây rất dễ bị “chặt chém” thẳng tay với giá trên trời.
Bờ kênh và cầu đi bộ là khu vực công cộng, điểm hóng mát của người dân, không thể để một nhóm người tự tiện “xí chỗ” để buôn bán chặt chém. Rất mong chính quyền, công an phường và các lực lượng cảnh sát trật tự, quản lý đô thị sớm ra tay chấn chỉnh, trả lại không gian công cộng cho người dân.
THU HƯỜNG