Cho đến nay việc xác định số lượng cán bộ được thực hiện hoàn toàn cảm tính (không phải là định tính) do thiếu cơ sở khoa học, thiếu số liệu về các công việc quản lý sẽ phải thực hiện và không có định mức lao động cho công tác quản lý làm cơ sở. Các vấn đề về công tác đào tạo cán bộ và xây dựng chế độ tiền lương, đãi ngộ cán bộ chưa đạt hiệu quả như mong muốn đã làm cho thành phố thiệt hại lớn về kinh tế (xem ví dụ trong box bên dưới).
Chất lượng cán bộ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu vì nó làm tăng định mức lao động. Một trong các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ là hầu hết cán bộ quản lý môi trường hiện nay đều vào làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tức là không có bất cứ kinh nghiệm gì về kỹ thuật – công nghệ, quản lý doanh nghiệp, công ty… Công việc sự vụ hành chính hàng ngày làm cho họ ngày càng xa rời về chuyên môn sâu, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật – công nghiệp, hoặc có hiểu biết nhưng rất chung chung.
Việc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình công tác không những không giúp ích cho họ mà ngược lại cực kỳ nguy hiểm vì nó làm cho họ quản lý hệ thống theo kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, chứ không sử dụng kinh nghiệm để áp dụng một cách có hiệu quả khoa học quản lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội đang thay đổi rất nhanh do kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ cao.
Một vấn đề nữa là đội ngũ cán bộ lãnh đạo đầu đàn đang thiếu trầm trọng. Đây là thành phần nhân lực quyết định mà hệ thống quản lý nhà nước đang rất thiếu và chưa có một chiến lược có hiệu quả để giải quyết khó khăn này. Một cán bộ lãnh đạo giỏi sẽ biết lựa chọn đội ngũ nhân viên giỏi hoặc đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi, biết xây dựng một cấu trúc tổ chức thích hợp và biết tìm nguồn tài chính, cơ sở vật chất để vận hành bộ máy quản lý một cách hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, với dân số gần 9 triệu người TPHCM cần đến 4.000 - 5.000 cán bộ quản lý môi trường, chủ yếu là cán bộ thực hiện chức năng điều hành, vì cán bộ quản lý chính sách chỉ cần 5 - 7 người.
Cơ sở vật chất là thành phần thứ hai trong yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, không phải cơ sở vật chất quy mô là thay thế được thành phần con người. Nhưng cũng phải nhận thấy, nếu chỉ dùng yếu tố con người thì rất khó hoàn thành công tác quản lý (kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt). Ví dụ, chỉ riêng cấp phép chủ nguồn thải và nhập số liệu của 12.000 cơ sở công nghiệp của TPHCM đã cần đến 40 cán bộ/năm với tốc độ nhập liệu 200 phiếu/người-ngày.
Ba trụ cột của quản lý nhà nước là cấu trúc tổ chức – nhân lực – cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ, trong đó yếu tố con người mang tính chất quyết định.
| |
Nguyễn Việt