Chất lượng giáo dục đại học: Chưa thể khẳng định có chuyển biến

Vẫn còn nhiều sai phạm

Ngày 11-9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012. Những gì mà GDĐH đạt được trong 3 năm qua là khá đáng kể. Tuy nhiên chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn chưa trả lời được câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chất lượng GDĐH có tăng lên?

Vẫn còn nhiều sai phạm

Chỉ thị 296 của Thủ tướng ra đời trong bối cảnh đòi hỏi phải có chuyển biến rõ rệt về chất lượng GDĐH khi đi cùng với đó là tăng học phí, thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên. Vì vậy, tại hội nghị sơ kết ngày 11-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ GD-ĐT, các trường cần làm rõ việc nâng cao mức học phí, tăng đầu tư trong 3 năm qua đã có tác động gì đến chất lượng GDĐH.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, sau 3 năm thực hiện chỉ thị 296 đã chuyển biến được nhận thức, tư duy của toàn ngành, của toàn hệ thống trường ĐH-CĐ về yêu cầu bắt buộc phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. GDĐH đã bắt đầu chuyển từ số lượng sang chất lượng, tách bạch được quản lý nhà nước và chuyên môn đối với các trường, bước đầu xóa bỏ cơ chế xin-cho, giao quyền tự chủ cho các trường trong vấn đề tuyển sinh, tạo cơ chế mạnh mẽ để thanh tra, xử lý các sai phạm. Trong năm 2012, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh của 4 trường ĐH-CĐ; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 8 trường ĐH-CĐ.

Đặc biệt, bộ đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về GDĐH, theo đó thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường, giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, khuyến khích các trường đủ điều kiện tự tổ chức tuyển sinh; thí điểm giao quyền tự tuyển sinh cho 10 trường ĐH khối nghệ thuật… Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc thực hiện đổi mới quản lý GDĐH dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện tự chủ của các trường chưa đi kèm với giải trình xã hội, dẫn tới nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà thời gian qua xã hội rất bức xúc. Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình. Chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” nhau…

Vì vậy, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành giáo dục phải khẳng định “chất lượng GDĐH trong 3 năm qua có tăng lên không?”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã cho biết chưa thể trả lời ngay. Theo bộ trưởng, 3 năm qua, với đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, xã hội, sự chắt chiu của các trường, điều kiện để bảo đảm chất lượng GDĐH đã được cải thiện rõ rệt cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy. Sinh viên được đầu tư ngoại ngữ, kỹ năng mềm hơn, được xã hội, doanh nghiệp đánh giá tốt. Chưa thể mạnh dạn nói ngay là chất lượng GDĐH đã chuyển biến rõ rệt, nhưng Bộ GD-ĐT tin là GDĐH đang đi đúng hướng. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, có con số chính xác để báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Không nâng cấp trường trung cấp, cao đẳng tràn lan

Tại hội nghị, ông Kiều Hữu Thiện, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng đề xuất khẩn trương ban hành quy định cụ thể về giao quyền tự chủ cho các trường. Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn rút giấy phép của một số trường theo lộ trình thích hợp. PGS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc Trường Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh chính sách liên thông vì hiện nay các trường CĐ rất khó tuyển sinh.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân cấp mạnh về quản lý GDĐH, giao tự chủ tuyển sinh cho các trường nhưng sẽ trên cơ sở quy hoạch nhân lực các tỉnh, các ngành để tránh dư thừa trong đào tạo. Về đề nghị điều chỉnh chính sách liên thông để tạo thuận lợi cho tuyển sinh CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu thêm.

Với đề nghị cho nâng cấp các trường trung cấp, CĐ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiên quyết: Không chấp nhận nâng cấp tràn lan. Một thời gian chúng ta nâng cấp nhiều trường dẫn đến thực trạng là hệ thống không ổn định. Các trường trung cấp, CĐ luôn hoạt động với tâm lý từ 3 - 5 năm thì lên cấp. Đó là tâm lý đứng núi này trông núi nọ, nhấp nhổm, khiến cả hệ thống không vững, không ổn định, không mạnh. Tới đây, bộ sẽ chỉ nâng cấp những trường mà xã hội có nhu cầu. Không thể có chuyện muốn thành lập trường ĐH thì bắt đầu với thành lập một trường trung cấp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị về cơ chế tài chính, đến năm 2015 khi Nghị quyết của Quốc hội hết hạn, Bộ GD-ĐT nên tổng kết 5 năm cơ chế tài chính cho giáo dục, có đề xuất cơ chế tài chính 5 năm từ 2015-2020. Về tín dụng sinh viên, Bộ GD-ĐT chuẩn bị để trình Chính phủ tăng mức vay từ năm học 2014-2015. Một trong những kết quả nổi bật nhất của đổi mới GDĐH trong 3 năm qua là giao tự chủ trong tuyển sinh cho các trường, theo đó các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, tự chủ tuyển sinh của các trường phải gắn với nhu cầu của xã hội. Về tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ngoài 2 chỉ tiêu về diện tích sàn và số lượng giáo viên cơ hữu, cần có chỉ tiêu về năng lực quản lý của các trường để bảo đảm chất lượng đào tạo.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục