Chất lượng nguồn nhân lực: Hổng kiến thức văn hóa nghề

Mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng 1,5 triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu lao động có chất lượng, trong đó “văn hóa nghề” chưa được trang bị một cách đầy đủ hay nói cách khác, lao động nước ta đang thiếu văn hóa nghề nghiệp… Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, về chất lượng lao động hiện nay.
Chất lượng nguồn nhân lực: Hổng kiến thức văn hóa nghề

Mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng 1,5 triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu lao động có chất lượng, trong đó “văn hóa nghề” chưa được trang bị một cách đầy đủ hay nói cách khác, lao động nước ta đang thiếu văn hóa nghề nghiệp… Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, về chất lượng lao động hiện nay.

  • Chỉ mới chú trọng dạy nghề

Đi muộn về sớm, không làm đủ 8 giờ, không chú trọng đến các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc, thiếu trách nhiệm với công việc, bỏ việc khi không vừa ý. Chưa kể đến một bộ phận không nhỏ người lao động rất thiếu văn hóa nghề, biểu hiện ở việc tùy tiện, cẩu thả, thiếu trung thực, thiếu tự giác, chưa yêu nghề; tự ty, tự phụ, thiếu tính cộng đồng, tính nhân văn, tự đánh mất mình. Những hành vi thiếu văn hóa nghề đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đội ngũ lao động hiện nay.

Nói về văn hóa nghề nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến việc làm (Bộ LĐTB-XH) phân tích: “Văn hóa nghề được thể hiện ở các nội dung như: Nhận thức về nghề, thái độ đối với nghề, hành vi ứng xử của những người làm nghề với nhau trong quá trình lao động…”. Đất nước đang trong quá trình hội nhập phát triển, những yêu cầu về tay nghề, về ý thức của người lao động được các doanh nghiệp hết sức coi trọng. Nếu đào tạo nghề không gắn với việc nâng cao trình độ văn hóa, cách ứng xử trong lao động sản xuất thì người lao động sẽ gặp nhiều thiệt thòi trong việc tìm kiếm việc làm.

 “Một điều hơi chạnh lòng đối với những nhà quản lý khi đem so sánh nguồn nhân lực của Việt Nam với các nước trong khu vực, mặc dù tay nghề, sự sáng tạo ta không thua kém thậm chí có trội hơn, nhưng nếu đem so về văn hóa nghề thì thua kém bạn rất nhiều. Đối với lao động xuất khẩu, không có nghề, không biết ngoại ngữ, không có tác phong công nghiệp. Sau khi đăng ký xuất khẩu lao động mới vội vàng học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc nên tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hóa ứng xử nơi sẽ đến làm việc hầu như không nắm một cách đầy đủ. Chỉ cần có mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, người lao động phản ứng ngay lập tức bằng cách bỏ làm” - ông Ngô Thế Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghề (Hội Dạy nghề Việt Nam) bày tỏ.

Sinh viên đang thực hành trên máy tại Trường CĐ Nghề TPHCM.

Sinh viên đang thực hành trên máy tại Trường CĐ Nghề TPHCM.

Dưới góc độ khoa học, để tìm một định nghĩa về văn hóa nghề không đơn giản. Bởi lẽ văn hóa là một khái niệm trừu tượng, khó cân đong đo đếm. Tại cuộc hội thảo về tăng cường văn hóa nghề mới đây được tổ chức tại TPHCM, nhiều đại biểu đã thống nhất tạm đưa ra một “công thức” về văn hóa nghề gồm: kiến thức nghề, trình độ tay nghề, đạo đức nghề, thái độ hành nghề, sự nhận biết về xã hội, khả năng xây dựng và thích nghi môi trường. Hiểu một cách đơn giản, văn hóa nghề có thể biến một người thợ lành nghề thành một người lao động chuyên nghiệp.

Thiếu văn hóa nghề biểu hiện dễ thấy nhất là ở hoạt động dạy nghề. Luật Dạy nghề cũng như những quy định khác liên quan đến dạy nghề không hề có môn học hoặc tiết học liên quan đến những tiêu chí được coi là văn hóa nghề. Các cơ sở dạy nghề chú trọng việc dạy cho học viên kỹ năng, kỹ thuật. Học viên học xong một khóa, có thể làm được một công việc cụ thể, như vậy nhà trường đã xong nhiệm vụ.

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra mà nguyên do lái xe quá ẩu, coi thường mạng sống của người khác. Khi đó người ta mới giật mình hiểu rằng, các trường nghề chỉ dạy kỹ năng lái xe, không dạy văn hóa nghề, trong đó có đạo đức của người lái xe.

  • Đưa văn hóa nghề vào giáo trình

Do không chú trọng việc giáo dục văn hóa nghề cho người lao động khiến họ thiếu kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho biết: Hội Dạy nghề sẽ thành lập trung tâm văn hóa nghề để khảo sát, nghiên cứu, từ đó có sự cụ thể hóa giáo dục chính trị, đạo đức đối với hệ thống các trường nghề để hình thành bộ môn văn hóa nghề. Chỉ khi được trang bị kiến thức về văn hóa nghề, một người thợ lành nghề mới trở thành một người lao động chuyên nghiệp. Việc đưa văn hóa nghề trở thành bộ môn giảng dạy trong chương trình đào tạo nghề chính là sự trăn trở của không ít nhà quản lý các cơ sở dạy nghề hiện nay.

Tiến sĩ Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Lilama 2 băn khoăn: Không phải các trường nghề không chú trọng việc đào tạo văn hóa nghề mà chương trình khung của Bộ LĐTB-XH chưa dành nhiều thời lượng dạy cho học viên tác phong, ý thức nghề nghiệp, tình yêu với nghề… nên dù rất muốn làm, các trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối chương trình đào tạo.

Đề nghị cần sớm xác định rõ nội hàm của văn hóa để các cơ sở dạy nghề hiểu và tiến hành đào tạo cho lao động. Từ đó bổ sung môn văn hóa nghề vào nội dung giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề, trường nghề. Môn văn hóa nghề phải trở thành môn học bắt buộc và là môn quyết định đối với đầu ra của người học nghề.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục