Thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý: sinh viên đại học khó tìm được việc trong khi lao động phổ thông lại dễ tìm việc.
Qua khảo sát gần 7.000 sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có nhu cầu tìm việc trong năm 2012, đa phần không xin được việc làm hoặc xin được việc làm nhưng không đúng với ngành nghề đã học, thậm chí có nhiều người chấp nhận làm lao động phổ thông. Ngoài các nguyên nhân như kinh tế khó khăn, nguồn cung lao động tăng, số đầu việc giảm, số lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao, việc sinh viên mới ra trường thiếu các kỹ năng mềm là nguyên nhân quan trọng. Bởi theo xu hướng hiện nay, trình độ học vấn và các bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp mà người lao động phải tự trang bị kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp… Khó khăn của sinh viên tốt nghiệp là không biết tìm việc nào phù hợp với năng lực và kiến thức mình có. Thậm chí, nhiều người không biết cách hoàn thành một bộ hồ sơ xin việc, tham gia phỏng vấn tuyển dụng.
Điều cần quan tâm nhất hiện nay là tư vấn hướng nghiệp để giúp người lao động đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế - xã hội, cung - cầu lao động của địa phương. Trên 50 trường đại học, gần 40 trường cao đẳng, trên 340 trường trung cấp và gần 400 cơ sở dạy nghề, có thể đào tạo cho TPHCM và các địa phương khác trên 300.000 lao động mỗi năm. Tuy nhiên, việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí. Các trường nên đào tạo những ngành nghề xã hội cần, thị trường lao động cần, chứ không nên tập trung vào đào tạo những cái mình có.
Bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn, sinh viên cần bổ sung các kỹ năng mềm để đảm bảo khi ra trường, họ có được việc làm và phát huy kiến thức đã học. Công tác đào tạo nguồn nhân lực của các trường phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tuyển dụng được lao động theo nhu cầu, sinh viên ra trường có được việc làm theo đúng chuyên môn đã học. Muốn làm được đồng bộ, cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải thống kê chính xác cung - cầu lao động. Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình cung ứng lao động và chính người lao động, người sử dụng lao động cũng phải có được thông tin quan trọng này.
Trong 6 chương trình đột phá của Thành ủy TPHCM, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế được đưa lên hàng đầu. Vấn đề trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài việc trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cần gắn lý thuyết với thực hành và thực tế xã hội để tăng tính tự chủ, năng động cho học sinh ngay còn học phổ thông. Mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, định hướng chiến lược phát triển của TP.
Bên cạnh đó, cần có sự ưu tiên đầu tư của nhà nước, cần huy động sức mạnh của toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân để tự nâng cao kiến thức; tạo cho được phong trào tự học, tự nghiên cứu. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực; trước hết cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, coi lĩnh vực này là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Có chính sách để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nhân lực đặc thù của từng công ty, doanh nghiệp… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn liền với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực mới phát huy được. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế khuyến khích, trọng dụng nhân tài, vì đây là những hạt nhân tạo sự đột phá cho phát triển.
Trần Anh Tuấn
(Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)