Đang vào mùa Trung thu, nhưng các nghệ nhân làm lồng đèn ở làng nghề lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TPHCM) buồn hiu hắt, bởi trẻ em bây giờ chẳng còn thích chơi lồng đèn. Các nghệ nhân làm chỉ vì đam mê, lưu luyến muốn giữ nghề nhưng lại không có học trò.
Lưu luyến với nghề
Chừng 10 năm về trước, trước mùa Trung thu, làng nghề lồng đèn Phú Bình luôn nhộn nhịp, người hối hả làm lồng đèn, người chở lồng đèn đi bán. Nhà nào cũng thấy có người chẻ tre, cắt sắt, dán giấy kiếng… Nay nghề truyền thống đã trở thành nghề phụ, được chăng hay chớ vào dịp Trung thu. Không ít nghệ nhân đã bỏ nghề, kiếm sống bằng công việc khác.
Vậy mà gia đình anh Nguyễn Mạnh Tùng vẫn nấn ná với nghề làm lồng đèn. Gần một tháng nay, quán cơm tấm của gia đình anh trong khu dân cư Phú Bình đã tạm nghỉ bán để lấy mặt bằng làm lồng đèn. Toàn bộ thành viên gia đình tập trung làm. Người cắt thép, người nối thanh tre lại thành khung, người trang trí hoa văn… Vừa loay hoay cột thanh tre, anh Tùng kể: “Trước đây, cả nhà có thu nhập chính là từ nghề làm lồng đèn, có việc để làm quanh năm suốt tháng. Nhưng rồi lồng đèn nhựa của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nhiều năm, khiến lồng đèn truyền thống không còn chỗ đứng. Nhiều người ở làng nghề này đã bỏ nghề. Hai năm trở lại đây, lồng đèn Trung Quốc bị người tiêu dùng tẩy chay. Gia đình tôi lưu luyến nghề và không đành để nghề truyền thống này bị mai một nên làm lại vào mùa Trung thu này”.
Các hộ còn làm lồng đèn chỉ vì đam mê, lưu luyến với nghề
Cách đó không xa, cửa hàng bán gạo (gần chợ Phú Trung) của anh Bùi Đình Phùng cũng được gia đình tận dụng lối đi để gia công lồng đèn. Anh Phùng bùi ngùi: “Bây giờ làm lồng đèn chỉ để đỡ buồn, thấy nghề truyền thống vẫn chưa mai một, chứ chẳng thể trụ được để đủ nuôi sống gia đình. Chắc chừng vài năm nữa làng nghề lồng đèn duy nhất ở TPHCM này sẽ không còn”.
Ngay cả những người bán lồng đèn truyền thống cũng phải chật vật để tồn tại. Các cửa hàng lồng đèn trong khu vực làng nghề lồng đèn Phú Bình cũng phải bán thêm lồng đèn pin phát nhạc mới đủ sở hụi. Chị chủ cửa hàng trước giáo xứ Phú Bình than: “Trước đây, nhiều người ở các tỉnh lân cận đến đặt hàng mua về bán. Chúng tôi nhận mối rồi đặt lại các nghệ nhân làm để cung ứng. Nay thị trường bấp bênh, đến nỗi phải bán lồng đèn bằng pin để nuôi lồng đèn giấy. Năm ngoái, sau Trung thu, nhiều cửa hàng và nghệ nhân bị ế lồng đèn truyền thống do bị cạnh tranh phá giá. Thế là phải tháo bỏ giấy kiếng, còn khung để năm sau làm lại nếu không bị mối ăn”.
Phải có “đầu tàu”
Theo các cán bộ phường 5 (quận 11), nhiều lần, UBND phường đã vận động quy tụ toàn bộ nghệ nhân lại lập hợp tác xã, để tạo công việc ổn định, nhất là giữ vững được làng nghề, nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Vì các hộ có mối riêng nên không muốn phải san sẻ với người khác. Việc mua bán lồng đèn chỉ diễn ra đơn lẻ, chưa có một hợp tác xã hay nhóm nào đứng ra tạo dựng thương hiệu để làm ăn bài bản, tạo sự tin tưởng cho khách đặt hàng. Trong tình thế chỉ làm vào mùa Trung thu nên không đủ sống, các nghệ nhân đành phải kiếm nghề khác, dẫn đến việc tìm học trò truyền nghề cũng rất khó.
Ông Nguyễn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, phân tích: “Làng nghề truyền thống là một di sản phi vật thể. Bảo tồn di sản là trách nhiệm của địa phương trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển làng nghề. Nếu muốn giữ làng nghề lồng đèn Phú Bình, cần phải có hợp tác xã hướng dẫn truyền nghề, phương thức kinh doanh, tổ chức xúc tiến thương mại, triển khai các chính sách tư vấn đến các hộ sản xuất. Địa phương cần có cơ sở kinh doanh tại chỗ. Quan trọng là cách tiếp cận nguồn vốn như thế nào. Làng nghề cần phải có sự phối hợp với cơ quan truyền thông, quay lại với giá trị bản sắc dân tộc và sát hợp thị hiếu của người tiêu dùng, bắt đầu từ thiết kế với những sáng tạo mới, gần gũi cuộc sống. Nên tổ chức cuộc thi trình diễn, triển lãm lồng đèn để thu hút du khách đến tham quan chụp hình, mua làm vật lưu niệm…”.
THANH HẢI