Nghị quyết 01/2014 của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP đã có hiệu lực thi hành từ tháng 6-2014. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, ngành học mầm non đã có nhiều khởi sắc. Hàng loạt dự án xây trường được khởi công xây dựng, giáo viên tăng thêm thu nhập giúp họ yên tâm công tác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khiến mục tiêu phát triển ngành học chưa đảm bảo theo yêu cầu đặt ra.
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến năm 2020, trẻ học mầm non trong các trường công lập sẽ đạt tỷ lệ 60% đối với hệ mẫu giáo và 40% đối với trẻ trong độ tuổi nhà trẻ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dù trường công vẫn không ngừng phát triển qua từng năm nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp, nhu cầu phân bổ nhân sự gặp nhiều khó khăn.
Cô và trò trong lớp thí điểm Đề án giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại Trường Mầm non Hương Sen, quận Bình Tân, TPHCM
Chạy theo dân số
Thủ Đức là một trong những địa bàn có đông dân nhập cư nhất TPHCM. Hiện nay, trên tổng số 12 phường trên địa bàn quận đã có 21 trường mầm non công lập, đạt tỷ lệ 1,75 trường/phường, nuôi dạy 7.913 học sinh. Tuy nhiên, số trường lớp này chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu trẻ học mầm non trên địa bàn. Trong đó, hơn 18.000 trẻ phải học tại các cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục và điểm giữ trẻ gia đình. Cũng gặp tình cảnh tương tự, bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết chỉ tính 9 tháng đầu năm 2016, quận 12 đã tăng thêm 29.000 nhân khẩu. Quy hoạch dân số đến năm 2020 liên tục phải điều chỉnh qua từng năm, tạo áp lực rất lớn về đáp ứng chỗ học cho người dân trên địa bàn. Theo kế hoạch, từ đây đến năm 2020, quận 12 sẽ có thêm 154 phòng học mầm non đưa vào sử dụng. Với nỗ lực đó, địa phương hy vọng có thể nâng cao tỷ lệ 24% học sinh đang học tại các trường mầm non công lập hiện nay.
Tại Hóc Môn, mặc dù Trường Mầm non Xuân Thới Đông (xã Xuân Thới Đông) là đơn vị duy nhất được chọn thí điểm mở lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi nhưng do nhu cầu về chỗ học mầm non quá lớn nên hiện trường chỉ mở được một lớp 6-12 tháng tuổi, lớp 13-18 tháng tuổi chưa có phòng học trống để triển khai. Dự kiến từ đây đến năm 2020, toàn huyện sẽ có thêm 36 dự án xây trường mầm non đi vào hoạt động, trong đó 6 dự án được xem là cấp bách với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Tương tự, tại huyện Củ Chi, do ưu tiên dành phòng học nhận trẻ 5 tuổi nên không đủ phòng cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và các lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, trung bình mỗi năm tổng số học sinh mầm non toàn TP tăng thêm 6%, tương đương 21.000 trẻ. Trong tổng số 24 quận, huyện còn 3 quận có hệ thống trường mầm non công lập chưa phủ kín 100% phường, xã. Vẫn còn tình trạng trường học có nhiều điểm lẻ như ở quận 8 và huyện Cần Giờ. Mặc dù năm nào TP cũng tích cực đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng trường, lớp nhưng chưa đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số, trẻ phải học trong những lớp có sĩ số cao hơn chuẩn quy định.
Vì sao khó tuyển giáo viên?
Giải thích về tình trạng nhiều quận, huyện hiện nay không tuyển đủ giáo viên, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP, cho biết theo quy định trước đây của UBND TP, các quận, huyện sau khi hoàn tất quy trình tuyển dụng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao quyền tuyển dụng phải gửi hồ sơ đề nghị thỏa thuận phê duyệt kết quả tuyển dụng về Sở Nội vụ TP. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định và có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản về danh sách thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học này, căn cứ theo điểm b, khoản 5, điều 14, Quyết định số 03/2016 của UBND TP về tuyển dụng viên chức, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, cơ quan ngang sở và quận, huyện, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng sẽ trực tiếp phê duyệt kết quả tuyển dụng và gửi thông báo công nhận kết quả trúng tuyển bằng văn bản tới người dự tuyển. Như vậy, theo quy định mới của TP, kết quả trúng tuyển viên chức không cần gửi về Sở Nội vụ mà chỉ cần người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng phê duyệt, thường là Chủ tịch UBND quận, huyện. “Việc các địa phương gửi kết quả tuyển dụng về Sở Nội vụ là không cần thiết, làm chậm trễ thời gian công nhận kết quả trúng tuyển của ứng viên. Chỉ đối với những trường hợp xét tuyển đặc cách mới cần phê duyệt của Sở Nội vụ”, bà Xuyến khẳng định.
Mặt khác, theo quy chế tuyển dụng hiện nay, một ứng viên có thể đăng ký xét tuyển viên chức nhiều nơi dẫn đến tình trạng hồ sơ ảo, ứng viên trúng tuyển cùng lúc hai nơi hoặc đổ dồn đăng ký về một, hai quận, huyện trong khi các địa phương khác rất thiếu hồ sơ. Trước thực tế này, một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, theo khoản 3, điều 6, Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, nếu người được tuyển dụng từ chối nhận nhiệm sở, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng có thể tuyển người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề. Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả tuyển dụng liền kề giống nhau, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tuyển dụng sẽ tổ chức phỏng vấn để quyết định người trúng tuyển. Trong khi đó, nhiều quận, huyện hiện nay khi có ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở lại mở thêm các đợt xét tuyển 2, 3, lặp lại đầy đủ quy trình tuyển dụng như nộp hồ sơ, thi tuyển, xét tuyển... vừa mất thời gian của ứng viên, vừa chậm đáp ứng nhân sự cho các trường học.
| |
THU TÂM