Châu Âu thiếu kế hoạch ứng phó sóng nhiệt kéo dài

Châu Âu vẫn chưa thoát đợt nắng nóng lịch sử, với mức nhiệt ở nhiều khu vực vượt ngưỡng kỷ lục từng được ghi nhận. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra thời tiết bất thường ở lục địa già.

Thiệt hại nặng 

Nắng nóng “tấn công” châu Âu từ đầu tháng 7 và kéo dài đến nay gây ra nhiều xáo trộn và thảm họa. Nhiệt độ trung bình ở các nước khu vực Tây và Nam Âu dao động từ 40 - 46 độC. Nhiệt độ cao gây ra nhiều vụ cháy rừng, thiêu rụi hàng chục ngàn hécta  rừng ở  Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Hiện đợt sóng nhiệt đang tiến về phía Đông, gây áp lực lên lực lượng cứu hỏa của Ba Lan và Slovenia. 

Lính cứu hỏa Hy Lạp vất vả chữa cháy rừng
Số ca tử vong trong đợt nắng nóng đã lên đến gần 2.000 người ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Dự kiến con số này sẽ tăng do mới qua nửa mùa hè và các nước như Anh, Pháp, Bỉ hay Hà Lan vẫn chưa công bố dữ liệu trong đợt nắng nóng. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, sóng nhiệt mà các nước châu Âu đang đối mặt sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, các tác động tiêu cực ít nhất sẽ kéo dài đến năm 2060. 

Nắng nóng khiến tình hình kinh tế, đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng, giao thông và công nghệ đều gặp khó khăn. Khi nhiệt độ vượt mức 40 độ C, mặt đường bị nứt hay đường ray biến dạng khiến giao thông ở những nước như Anh, Hà Lan, Italy ngưng trệ. Ngay cả không gian mạng cũng không thoát khỏi tác động từ nắng nóng. Các trung tâm dữ liệu châu Âu, nơi xử lý các hoạt động truy cập website mỗi ngày, phải vật lộn để đảm bảo hệ thống làm mát vào giờ cao điểm. Đó là một trong những lý do khiến một số trung tâm dữ liệu của các tập đoàn công nghệ được đặt ở miền Bắc và cạnh nguồn nước để có thể làm mát máy chủ.

Châu Âu đặt mục tiêu lấp đầy ít nhất 80% kho dự trữ khí đốt của mình vào tháng 11 để sử dụng qua mùa đông và hiện đã đạt khoảng 65%. Tuy nhiên, nắng nóng đang khiến mục tiêu này thêm khó khăn vì nhu cầu dùng điện để làm mát tăng cao. Nhiều nhà máy điện hạt nhân châu Âu không thể chạy hết công suất do nhiệt độ nước sông tăng lên và mực nước giảm xuống, ảnh hưởng đến khả năng làm mát lò phản ứng. 

Còn lúng túng đối phó

Cho đến lúc này, chính phủ các nước châu Âu được cho là đã không có kế hoạch đầy đủ để ứng phó với nắng nóng. Theo luật EU, mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải báo cáo cụ thể ngân sách chi cho việc “thích ứng khí hậu”, nhưng có đến 20/27 thành viên chỉ đưa ra những kế hoạch hạn chế, thiếu chiều sâu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa đến phân nửa quốc gia EU có kế hoạch y tế trước tác động của nắng nóng, trong khi những thành viên còn lại không phân bổ ngân sách đầy đủ để đối phó với hình thái thời tiết cực đoan này.

Để giảm bớt áp lực cho người lao động trong thời tiết nắng nóng, Liên đoàn Công đoàn châu Âu (ETUC) kêu gọi thông qua đạo luật quy định về nhiệt độ tối đa ở nơi làm việc trên lục địa này. Theo số liệu từ cơ quan nghiên cứu giám sát thị trường lao động Eurofound, 23% lao động ở châu Âu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong ít nhất 1/4 thời gian làm việc của họ, tỷ lệ này tăng lên 36% trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và 38% trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, chỉ một số ít các nước châu Âu có luật bảo vệ người lao động trong các đợt nắng nóng, với sự khác biệt lớn giữa các nước.

Theo các công đoàn liên kết với ETUC, người lao động Bỉ có công việc yêu cầu về thể chất không thể làm việc khi nhiệt độ vượt quá 22 độ C. Giới hạn này ở Hungary là 27 độ C cho cùng một loại công việc, trong khi Slovenia giới hạn nhiệt độ ở 28 độ C cho tất cả các nơi làm việc. Tuy nhiên, theo WHO, nhiệt độ làm việc tối ưu là từ 16-24 độ C.

Tin cùng chuyên mục