Chạy theo… chuẩn quốc gia

Trong buổi trà dư tửu hậu với một hiệu trưởng trường phổ thông, chúng tôi hỏi thăm: “Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế công nhận trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Trường mình có tiềm năng đạt chuẩn không, thưa thầy?”. Thầy hiệu trưởng lắc đầu: “Trường chỉ đạt 3 chuẩn rưỡi”. Rồi ông giải thích: Để được công nhận đạt chuẩn, các trường phải bảo đảm tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 6%, trong đó tỷ lệ HS bỏ học không quá 1%. HS xếp học lực loại giỏi đạt từ 3% trở lên, loại khá đạt từ 35% trở lên, loại yếu và kém không quá 5%. Trường phải có ít nhất 30% giáo viên (GV) đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên; có 100% GV đạt chuẩn loại khá trở lên.

Với những tiêu chuẩn chặt chẽ vậy, muốn có chuẩn buộc trường phải chạy đua! Như tỷ lệ HS yếu kém không quá 5%, nếu không tuyển “hàng chất lượng cao” từ khâu đầu vào hay “sàng lọc” cho HS chuyển trường thì chuẩn quốc gia làm sao đạt được! Còn nữa, nếu “nội lực” của trường không đủ mạnh, địa phương sẽ giúp sức bằng cách điều GV giỏi từ trường khác về lo “sự nghiệp” đạt chuẩn chung cho địa phương, nhưng riêng trường mang tiếng “bắt người”.

Từ khi có chuẩn quốc gia, mặt tích cực là đẩy mạnh thi đua để các trường vượt khó, giảng dạy tốt hơn, song từ đây cũng phát sinh những lệch lạc chạy theo thành tích. Nếu địa phương không có trường học chuẩn quốc gia, lãnh đạo tỉnh sẽ “gõ đầu” ngành GD-ĐT. Rồi ngành GD-ĐT phải lo o bế một trường tiềm năng để có chuẩn như nơi khác, để đẹp lòng địa phương. Thậm chí có nơi, người ta còn định phá bỏ một trường mầm non để dành đất cho tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Trường chuẩn hoặc trường tiệm cận… chuẩn được nhiều ưu tiên ngầm: xin gì có nấy (cơ sở vật chất, GV), đặc quyền tuyển sinh “khu vực tốt” nhằm hạn chế thấp nhất số HS yếu kém, bỏ học.

Giáo dục nước ngoài không có chuyện xếp hạng các trường phổ thông với nhau để tránh sự đổ xô chạy đua vào trường chuẩn. Điều cần nhất là dạy sao để HS biết vận dụng kiến thức vào thực tế, có lòng nhân đạo, yêu thương con người và cả thiên nhiên, loài vật. Dường như những tiêu chuẩn quốc gia của ta đi ngược so với triết lý giáo dục phương Tây: trò dở thì càng phải được “thọ giáo” thầy giỏi. Thành công của người thầy không tính trên số HS giỏi mà dựa vào giá trị nhân văn, có bao nhiêu HS quậy phá, học dở nhờ thầy trở nên tiến bộ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã có lần chia sẻ suy nghĩ của ông với bạn đọc Báo SGGP sau chuyến công tác tại Phần Lan vừa qua: “Tôi thấy giáo dục nước bạn có một điều rất hay là không đánh giá các trường với nhau. Phần Lan quan niệm khen một trường này tốt cũng sẽ dẫn đến hàm ý chê trường khác, không thúc đẩy phát triển đồng đều. Mỗi trường một hoàn cảnh, điều quan trọng là ý thức xây dựng và tự điều chỉnh. Tương tự, GV cũng không khen những em ưu tú nhất. Ngược lại, một HS yếu kém sẽ được một GV tận tình chăm lo. Một nền giáo dục nhân bản quan tâm đến từng cá nhân HS khiến tôi mơ ước giáo dục ở TPHCM mình cũng sẽ cố gắng làm được như thế”.

Vâng, một mơ ước đơn giản và dễ hiểu nhưng khó làm trong bối cảnh trường trường chạy theo chuẩn quốc gia, mà cái được của chuẩn chỉ dành cho một thiểu số HS!

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục