Những ngày hè này đi đâu cũng nghe các bậc cha mẹ có con cái ở độ tuổi đi học bàn tán chuyện xin học và nỗi khổ tìm một chỗ học tốt để gởi gắm con vào đầu cấp. Nhu cầu và chỗ học luôn vênh nhau, vì thế đủ kiểu bon chen, chạy đua nước rút. Vì sao nạn chạy trường vẫn tiếp diễn và ngày một căng thẳng hơn?
Nhu cầu chính đáng
Những ngày qua, câu chuyện phụ huynh “sống chết” để tìm cơ hội cho con vào lớp 1 ở Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) đã gây sửng sốt dư luận và trở thành nỗi ưu tư, day dứt của xã hội. Để lọt qua cánh cửa quá hẹp và quyết tâm lấy được lá đơn cho con, hàng trăm phụ huynh sẵn sàng chen lấn, thậm chí đạp đổ cổng trường… Điều dễ hiểu, cha mẹ nào cũng muốn đầu tư những gì tốt nhất cho con mình.
Anh Minh, nhà ở gần Trường PTCS Thực nghiệm này, lý giải vì sao mình phải chịu cực để tìm một chỗ học ở đây: “Cách đây 10 năm, xin cho con vào trường này dễ lắm. Ai cũng chê bai và e ngại con mình bị làm vật thí nghiệm nên tôi cho con trai đầu học trường bình thường. Nhưng nhìn con suốt 10 năm đèn sách phờ phạc vì áp lực học, thi, gia đình tôi đã nghĩ khác. Năm nay, đứa con gái thứ hai chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi quyết tìm cho con chỗ học nhẹ nhàng, thoải mái, không áp lực…”.
Không chỉ áp dụng thành công mô hình công nghệ dạy học tiên tiến của Liên Xô cũ như học tập thoải mái, không gò ép học sinh, Trường Thực nghiệm còn được đánh giá tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chất lượng cao. Chuyện GS Ngô Bảo Châu từng học ở ngôi trường này đã phủ thêm ánh hào quang cho ngôi trường.
Không chỉ có Trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội mới bị áp lực xin học đè nặng. Cứ chuẩn bị vào đầu năm học mới, hiện tượng chạy trường lại tăng nhiệt ở các TP lớn như TPHCM, Hà Nội. Phụ huynh ai cũng muốn tìm cho con mình có một môi trường học tập tốt. Vì thế họ phải đầu tư, phải chạy vạy bằng mối quan hệ hoặc bằng phong bì dày, thậm chí lên đến vài ngàn USD cho một chỗ học ở trường điểm hoặc lớp chọn. Thôi thì đủ đường chạy, đủ kiểu chạy từ chuyển hộ khẩu đến gởi gắm - tác động ở những chỗ quen biết hoặc xung phong tài trợ cho trường, góp sổ vàng với khoản tiền lớn…
Không chỉ nóng ở các lớp đầu cấp như lớp 1, 6, 10, chuyện chạy trường cho con vào lớp mẫu giáo cũng căng thẳng không kém. Ở nhiều trường mẫu giáo có tên tuổi ở TPHCM, thủ đô Hà Nội, giá xin một chỗ học cũng 1.000-2.000 USD.
Thận trọng với “tâm lý đám đông”
Nhiều năm qua, báo chí đã xới lên rất nhiều và thật khó để giải mã câu hỏi ai hưởng lợi trong những phi vụ chạy trường?! Vì không muốn bị tiếng oan, nhiều ban giám hiệu của các trường có tiếng luôn phải trốn, tắt máy di động trong những ngày chuẩn bị nhận đăng ký, xét duyệt hồ sơ. Nguyên hiệu trưởng một trường THCS có tiếng ở quận 1 bộc bạch: “...Áp lực từ nhiều phía lắm, nhất là thư tay từ lãnh đạo các cấp. Thật khổ tâm khi phải gạt những trường hợp đủ chuẩn để lấy những hồ sơ ngoài tuyến thấp điểm hơn nhưng có bút phê của lãnh đạo…”.
Thế nhưng, cũng có không ít hiệu trưởng có bản lĩnh, giữ vững quan điểm minh bạch trong tuyển sinh để không phải day dứt. Một hiệu trưởng trường chuyên ở TPHCM, dù con thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường mình quản lý thiếu chỉ 0,25 điểm cũng kiên quyết để con sang trường khác học theo đúng số điểm và nguyện vọng 2 của cháu. Để không gây áp lực cho các hiệu trưởng, một quận ở nội thành đã có nghị quyết về việc lãnh đạo quận không được thư tay cho trường.
Còn phụ huynh - những người trong cuộc - nghĩ gì về chuyện chạy trường? Nhiều phụ huynh đã từng chạy trường cho con đều cho rằng “mệt lắm, khổ lắm nhưng nếu không chịu khổ thì làm sao con mình có được một chỗ học như mong muốn?”. Không thể phủ nhận những ngôi trường có “mác” thì điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập tốt hơn, đội ngũ giáo viên giỏi nhiều hơn, nền nếp hơn. Vì thế sự chọn lựa của đông đảo phụ huynh là lẽ tự nhiên. Tuy vậy, đã trải nghiệm nỗi khổ chạy trường, không ít phụ huynh tỉnh ngộ, nhận ra sự thật “không phải cứ cho con vào trường điểm, lớp chọn thì con mình sẽ thành tài”.
Và sau khi tách khỏi cuộc đua hao sức, tốn tiền, không ít phụ huynh lại thở phào nhẹ nhõm khi cho con học gần nhà, ở ngôi trường bình thường nhưng trẻ có điều kiện học thêm những môn học yêu thích. Điều quan trọng là phụ huynh phải cân nhắc, biết dừng đúng lúc và không chạy theo tâm lý đám đông, “sống chết” vì sự học của con.
Từ những bức xúc, trăn trở về nạn chạy trường vẫn tái diễn hàng năm, dư luận xã hội tiếp tục đòi hỏi ngành giáo dục nước nhà phải đổi mới, đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp trồng người đáp ứng được nhu cầu chính đáng của phụ huynh, của xã hội. Như thế cần phải tạo sự bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng môi trường giáo dục tốt cũng như công nghệ giáo dục tiên tiến. Sự cách biệt về môi trường, chất lượng giáo dục, đào tạo hiện nay đã tạo ra xu hướng chạy trường và nó còn tiếp diễn nếu ngành giáo dục nước nhà không có giải pháp đột phá, đầu tư cho sản phẩm giáo dục đạt chất lượng tốt hơn.
Khánh Hà