Chạy trường, vì đâu nên nỗi?

Trước hết do ít con, đời sống có của ăn của để nên nhiều phụ huynh muốn “chạy trường” cho con vào lớp một ở trường có tiếng trong quận, để con mình được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt và tin chắc rằng điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc học của con mình!
Chạy trường, vì đâu nên nỗi?

Trước hết do ít con, đời sống có của ăn của để nên nhiều phụ huynh muốn “chạy trường” cho con vào lớp một ở trường có tiếng trong quận, để con mình được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt và tin chắc rằng điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc học của con mình!

Vào nơi gọi là “trường điểm” sẽ được các cấp đầu tư, phụ huynh mạnh tay sửa chữa khi trường vừa mới chớm có dấu hiệu xuống cấp. Và đó cũng là những trường mà các đại gia sẵn sàng đánh bóng tên tuổi bằng các loại học bổng, đồng thời cũng là thước đo cho giáo dục địa phương khi có dịp báo cáo thành tích hàng năm hay trước mỗi kỳ đại hội. Trường điểm chọn lọc học sinh đầu vào và sĩ số mỗi lớp sẽ hạn chế, thêm nữa giáo viên cũng được “dặn dò” nhiều hơn.

Hầu như ai ai cũng biết, thực chất chương trình dạy ở các trường đều thống nhất một bộ sách do Nhà nước quy định, các loại học bạ, văn bằng đều có giá trị ngang nhau. Thế thì tại sao nhiều phụ huynh vẫn cứ khư khư đưa con vào lớp một ở trường A mà không muốn con vào lớp một ở trường B?

Vào trường A tuy không là trường điểm của bậc tiểu học nhưng họ biết chắc sau năm năm học sẽ vào trường điểm của bậc THCS, bởi lẽ nếu phân theo tuyến thì học sinh trường tiểu học này sẽ tuần tự vào trường điểm ở bậc THCS kia.

Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 1 năm học 2009-2010, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp). Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 1 năm học 2009-2010, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp). Ảnh: MAI HẢI

Có thể minh họa bằng các dẫn chứng thực tế như sau ở quận Tân Bình: Nếu trước đây học sinh học tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, phường 4, sẽ theo tuyến vào lớp 6 ở Trường THCS Ngô Sỹ Liên, phường 2. Sau này phân lại tuyến, một số học sinh được chuyển về Trường THCS Tân Bình, số khác về Trường THCS Ngô Quyền, Hoàng Hoa Thám. Nghĩa là không được về THCS Ngô Sỹ Liên, thế là phụ huynh lục tục kéo nhau đến Trường Tiểu học Bình Giã, phường 3 hay Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, phường 5, mặc dù các trường tiểu học này không có tên tuổi nhưng sau bậc tiểu học sẽ vào tuyến trên là Trường THCS Ngô Sỹ Liên.

Nếu như phân lại tuyến không cho học sinh Trường Tiểu học Bình Giã, Nguyễn Viết Xuân vào lớp 6 THCS Ngô Sỹ Liên thì lập tức đầu năm gọi cháu vào lớp một sẽ không đủ chỉ tiêu… Khi đó chính hiệu trưởng các trường tiểu học này sẽ bức xúc, vì trường mình “ế” học sinh vào lớp một.

Có thể hiểu phụ huynh “chạy trường” vào lớp một cho con là một nhu cầu chính đáng và là một bước phát triển rất đáng trân trọng trong nhận thức của mỗi gia đình đối với xã hội. Thử hình dung, một tam giác phát triển trong đó gồm gia đình, xã hội và học đường phải là những tam giác đồng dạng đi lên theo đường xoắn ốc, sau mỗi năm học. Đó là dấu hiệu đáng mừng của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Xin được trở lại giá trị thực của giáo dục không nằm ở trường trọng điểm chất lượng cao hay trường chuyên lớp chọn mà chính là nguyên khí quốc gia, không phụ thuộc vào tầng lớp giàu nghèo, cuộc sống ở thành thị hay nông thôn. Đã từng có những em ở vùng nông thôn xa xôi, điều kiện vật chất thiếu thốn vẫn tự học và thi đậu cùng lúc vào 3 trường đại học.

Oái oăm thay, phụ huynh vẫn cứ “chạy trường” với hy vọng tìm vùng đất màu mỡ cho hạt giống tri thức nảy mầm và được chăm sóc tốt nhất. Thấy được nhu cầu này, các trường tư thục quốc tế không ngần ngại khai thác.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý giáo dục không tạo ra thật nhiều vùng đất phì nhiêu để giúp phụ huynh dễ dàng chọn lựa mà lại khoanh vùng trường điểm, trường chuẩn quốc gia để gây ra những cảnh “chạy trường” đến độ “ùn tắc” vào mỗi mùa gọi trẻ vào lớp một! Đã gọi là trường điểm, trường chuẩn thì vô tình đã tạo ra một sự phân biệt đối xử trong giáo dục. Từ cấp mầm non lên bậc THCS, nên chăng hãy để phát triển đại trà tự nhiên, không phân biệt trường này trường nọ. Không khoanh vùng nuôi gà chọi tạo thành tích cao trong các kỳ thi và cũng đừng dùng nó làm báo cáo thành tích về sự nghiệp giáo dục tại địa phương.

Hãy để trẻ mãi có tuổi thơ tươi đẹp của thời đi học. Các em bước chân tung tăng đến trường trong đồng phục quần xanh áo trắng, không có sự phân biệt giàu nghèo, không chi li nếp sống thành thị hay nông thôn. Đời sống tuổi thơ thần tiên ngà ngọc sẽ không nơi nào lấp lánh hơn dưới mái học đường.

Tuệ Hải

Tin cùng chuyên mục