Chạy vốn xây hạ tầng

Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bức thiết. Hiện nhu cầu về vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng ngày càng tăng, lại nguồn vốn ngân sách chưa thể đáp ứng, nguồn vốn vay thường có lãi suất cao. Trong khi đó, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và các tổ chức tài chính còn nhiều tiềm năng, làm sao để huy động được nguồn vốn này?
Chạy vốn xây hạ tầng

Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bức thiết. Hiện nhu cầu về vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng ngày càng tăng, lại nguồn vốn ngân sách chưa thể đáp ứng, nguồn vốn vay thường có lãi suất cao. Trong khi đó, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và các tổ chức tài chính còn nhiều tiềm năng, làm sao để huy động được nguồn vốn này?

  • Vốn ít, công trình nhiều

Theo Sở GTVT, nhu cầu vốn để xây dựng mới cơ sở hạng tầng cũng như kinh phí sửa chữa dự kiến gần gấp đôi năm ngoái, khoảng 47.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có thể huy động được khoảng 41.000 tỷ đồng, thiếu hụt khoảng 6.000 tỷ đồng. Nguồn vốn khổng lồ này là để triển khai đồng loạt các dự án lớn, trọng điểm của TP nhằm mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đã quá tải, xuống cấp.

Cụ thể, trong năm nay TP sẽ xây mới thêm 1 triệu m² đường, khởi công nhiều cầu, trong đó đặc biệt tập trung hoàn thiện các trục giao thông hướng tâm, khai thông các tuyến cửa ngõ; dự án đường song hành đường Hà Huy Giáp; dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường Ung Văn Khiêm, mở rộng tỉnh lộ 15; đường từ cầu Rạch Chiếc vào cảng Cát Lái (Liên tỉnh lộ 25B giai đoạn II) và đường dẫn từ cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội; hàng loạt các nút giao thông nằm trên trục xa lộ Hà Nội…

Ở cửa ngõ Đông Bắc, TP tháo gỡ điểm thường xuyên gây ùn ứ tại cầu Sài Gòn bằng cách khởi công dự án cầu Sài Gòn 2 vào ngày 12-4 tới đây. Đây là một trong những dự án huy động vốn tư nhân, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng.

TPHCM cần nguồn vốn lớn để thay thế những cây cầu xuống cấp. Ảnh: Kim Ngân

TPHCM cần nguồn vốn lớn để thay thế những cây cầu xuống cấp. Ảnh: Kim Ngân

Dự án đóng vai trò chiến lược là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) cũng sẽ khởi công hạng mục chính trong năm nay. Từ năm 2008, TP đã khởi công hạng mục phụ (depot bảo dưỡng, tường rào bảo vệ), song do công tác giải phóng mặt bằng vướng nhiều thứ nên hạng mục chính vẫn chưa thể tiến hành xây dựng.

Dự kiến khi đi vào hoạt động trong giai đoạn 2014 - 2016, sẽ là loại hình vận tải công cộng có sức chuyên chở lớn. Dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 kết nối trung tâm TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai cũng khởi công trong năm nay với tổng đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.

  • Huy động nhiều hình thức

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, với nguồn vốn ngân sách eo hẹp như hiện nay, trong khi đó nhu cầu xây dựng sửa chữa làm mới cầu đường trên địa bàn TP rất lớn, vì thế ngoài vốn ngân sách nhà nước, TP đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT...

Trong đó, đầu tư BT có nhiều dạng, tức là nhà đầu tư ứng vốn xây dựng kinh doanh từ 3 đến 5 năm, sau đó TP sẽ trả lại bằng tiền mặt (trả chậm) như cầu Sài Gòn 2. Dạng đầu tư BT thứ 2, là vừa trả bằng tiền vừa trả bằng đất (cũng hình thức trả chậm) như cầu đường Bình Tiên, Hà Huy Giáp. Dạng BT thứ 3, là trả chậm hoàn toàn bằng đất như cầu Thủ Thiêm 2, dường Vành đai số 2.

“Các dự án triển khai theo hình thức BT, nhà đầu tư tự bỏ vốn ra để triển khai dự án và sau đó sẽ được Nhà nước hoàn vốn bằng các khu đô thị hoặc các hình thức khác. Nếu các nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn và không bị phụ thuộc nhiều vào vốn vay từ các ngân hàng thì việc thắt chặt tín dụng sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai của các dự án” - ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn có các hình thức huy động vốn bằng cầu đường gắn với nhà đầu tư dọc tuyến như đường Bắc Nam, Chánh Hưng, sắp tới đường 15B, Hàn Quốc Việt (Phú Xuân, huyện Nhà Bè); nhà đầu tư hưởng lợi từ dự án như cầu Him Lam, cầu Rạch Đĩa nhà đầu tư phải có nghĩa vụ góp tiền xây cầu, làm đường. Ngoài ra, TP huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư phát triển đô thị.

Nhiều chuyên gia cầu đường cho rằng, để tăng vốn cho giao thông, TP cần tích cực huy động vốn tư nhân thông qua các hình thức BT, BOT, PPP. Mặt khác, trong điều kiện vốn còn hạn chế, ngành giao thông nên chọn những dự án thật cần thiết và sử dụng vốn thật hiệu quả.

Trước khi đầu tư dự án, cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng, dự án nào cần thì đầu tư trước, chưa cần thì làm sau, không triển khai tràn lan, dàn trải. Nhất là khâu giải tỏa bàn giao mặt bằng phải thực hiện trước khi khởi công xây dựng phải là mặt bằng sạch chứ không như thời gian qua thi công nửa chừng nằm đợi bàn giao mặt bằng gây lãng phí và đội giá thành dự án lên rất nhiều.

Sở GTVT cho biết: Năm nay, TPHCM sẽ tập trung bố trí đủ vốn đầu tư các dự án để khép kín đường Vành đai 2 và hoàn thiện các đường giao thông hướng tâm, các công trình trọng điểm và các nút giao thông quan trọng. Năm nay cũng sẽ tập trung thi công và hoàn thành các công trình như: đường Vành đai phía Đông đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc; liên tỉnh lộ 25B; cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội; tỉnh lộ 10; tỉnh lộ 10B; đường Bến Vân Đồn; cầu Suối Cái; cầu Rạch Tra; cải tạo bờ bắc và bờ Nam dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh; đường Nguyễn Thị Thập... Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa từng phần hoàn thành đi vào khai thác tại các dự án: cầu kinh Thanh Đa; cầu Đỏ; xa lộ Hà Nội; đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài...

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục