Trong bối cảnh Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp bàn về việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đều mong có sự thay đổi, đột phá trong việc nâng cao vị thế xã hội, đời sống của giáo viên. Khi người thầy phải dạy học trong tâm trạng lo miếng cơm tấm áo thì chất lượng giáo dục không thể khởi sắc. Tuy vậy, ngay trong thời điểm này, việc thực thi chính sách đối với các nhà giáo vẫn thể hiện sự thiếu công bằng, gây bức xúc trong xã hội.
Trợ cấp 1 lần cho nhà giáo nghỉ hưu: Sự xúc phạm?
Hiện có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên (PCTN) trong lương hưu. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, nếu thực hiện “hồi tố” chế độ PCTN thì kinh phí phải đảm bảo chi trả sẽ rất lớn, khả năng ngân sách nhà nước không đáp ứng được.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã có Nghị quyết số 21/2011/QH13 trong đó ghi rõ: Năm 2012 thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng PCTN. Chính vì vậy, mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ PCTN trong lương hưu. Theo đó, các nhà giáo nghỉ hưu từ ngày 1-1-1994 đến ngày 1-5-2011 sẽ được nhận trợ cấp 1 lần từ 2 - 3,5 triệu đồng/người. Dự toán ngân sách chi cho chế độ này khoảng 565 tỷ đồng.
Nhiều nhà giáo lớn tuổi đón nhận thông tin này trong nỗi tủi thân, đau lòng, bởi lẽ điều họ cần là PCTN trong lương hưu đã không được thực hiện, nhưng khi đã không được thì ngay đến cả mức trợ cấp 1 lần dự kiến cũng quá bèo bọt. Đó là chưa kể mức trợ cấp dự kiến của Bộ GD-ĐT đưa ra mang tính đồng đều, cào bằng, chưa ghi nhận quá trình công tác, trình độ đào tạo, phấn đấu của mỗi nhà giáo.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Đời sống Hội Cựu giáo chức Việt Nam, 19 vạn nhà giáo này nếu tính về độ tuổi thì đến nay nam đã từ 61 - 78 tuổi, nữ từ 56 - 73 tuổi. Họ là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trong đó nhiều người đã trực tiếp cầm súng hoặc chi viện cho vùng giải phóng miền Nam. Hiện nay, trung bình mỗi năm có 1 vạn nhà giáo trong số 19 vạn nhà giáo đó ra đi do sinh lão bệnh tử.
“Tôi là thành viên Ban soạn thảo mà không hề được tham gia vào dự thảo trợ cấp 1 lần này. Đây là cách làm rất tùy tiện của Bộ GD-ĐT. Mức trợ cấp mà bộ đưa ra cũng vô cùng bất hợp lý. Thậm chí, nhiều nhà giáo già ở các địa phương đã gọi điện, gửi thư về hội để bày tỏ sự phản ứng với dự thảo này, họ nói “chúng tôi không phải là trẻ con mà cần những chiếc kẹo mút đó” - ông Phương cho biết.
Cần phải hiểu đây không phải là mức trợ cấp khó khăn dành cho các nhà giáo, đây là mức trợ cấp cho các nhà giáo không được hưởng PCTN trong lương hưu. Nếu trợ cấp với mức đó, các nhà giáo sẽ cảm thấy đau lòng nhiều hơn là được động viên. Thực tế, nếu với mức trợ cấp này, ngay cả những nhà giáo thuộc dạng “cây đa cây đề” như GS sử học Phan Huy Lê cũng chỉ nhận được từ 2 - 3,5 triệu đồng, quả là rất đáng buồn cười, thậm chí là hài hước.
Phụ cấp thâm niên cũng phải xem lại
Ngoài mức trợ cấp bèo bọt, dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố cũng bị cho là bỏ sót đối tượng, gây nên sự thiếu công bằng. Theo nhà giáo Nguyễn Mậu Bành, dự thảo này đã đưa nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục về hưu ra khỏi đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục về hưu đều là những nhà giáo giỏi có nhiều kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều năm đứng lớp (15 - 20 năm), làm công tác quản lý ở cơ sở trường học, được điều động về làm công tác quản lý ở phòng, sở, Bộ GD-ĐT... Họ đã bị thiệt thòi khi được điều động thôi làm giáo viên để làm quản lý, xét về mặt thu nhập đã giảm 50% vì bị cắt các loại phụ cấp.
“Tại sao họ bị 3 lần “kỷ luật”: giảm thu nhập khi được điều động làm quản lý giáo dục; không được hưởng PCTN và nay lại không được hưởng trợ cấp cho nhà giáo về hưu chưa được hưởng thâm niên theo Nghị quyết của Quốc hội?”, nhà giáo Nguyễn Mậu Bành đặt vấn đề và đề nghị các nhà làm chính sách phải cân nhắc lại.
Ngoài chế độ cho 19 vạn nhà giáo nghỉ hưu từ 1-1-1994 đến 1-5-2011, ngay bản thân chế độ PCTN mà Chính phủ đang triển khai hiện nay cũng chưa nhận được sự đồng thuận lớn. Thời gian qua, hàng loạt giáo viên được điều động về làm việc ở phòng, sở giáo dục đã vô cùng bức xúc vì không được hưởng chế độ PCTN. Cô N.T.T., chuyên viên Sở GD-ĐT một tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng cho biết, cô tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó về dạy học ở một trường cấp 3. Sau 6 năm dạy học, cô được trưng tập về làm chuyên viên Sở GD-ĐT.
“Từ đó đến nay đã 3 năm, tôi vẫn chưa được tuyển dụng công chức, chỉ là viên chức trưng tập. Từ ngày về sở, tôi trở thành chuyên viên 3 không: không phụ cấp công chức (vì chưa được tuyển dụng công chức), không phụ cấp % đứng lớp, không PCTN. Sau 9 năm công tác, thu nhập chỉ vẻn vẹn là lương cơ bản, không thể bảo đảm mức sống tối thiểu. Khi lạm phát lên cao, Chính phủ triển khai chính sách trợ cấp cho người thu nhập thấp, tôi thuộc diện đó”, cô N.T.T. chua xót nói.
Cũng chính vì sự bất cập này mà qua khảo sát ở nhiều địa phương, hiện nay nhiều nhà giáo đang hoạt động ở cấp cơ sở khi được đưa lên làm quản lý ở phòng hoặc sở GD-ĐT thường không “mặn mà”, thậm chí có người còn từ chối. Chính vì thế, việc bổ sung cán bộ ngành ở cấp phòng và sở là tương đối gian nan.
Lãnh đạo của một sở GD-ĐT phía Bắc tâm sự. “Chỉ có những người đã từng làm thầy, làm cô giáo, giảng dạy có kinh nghiệm tốt, ngành mới tuyển lên làm cán bộ quản lý. Nhưng khi họ lên làm công tác quản lý, làm nhiệm vụ của người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lại không được hưởng PCTN là hết sức bất công. Cần xem lại chính sách này”, ông Nguyễn Xuân Phương nói.
Phan Thảo