“Chẻ” nhỏ mục tiêu để tăng hiệu quả

Dự thảo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ ra rằng, TP cố gắng triển khai các hoạt động giảm phát thải ở mức cao nhất có thể. Trong đó, đưa ra mục tiêu tham khảo là 10,5% tự đóng góp và 19,2% nếu có hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần chia nhỏ mục tiêu cụ thể, chi tiết hơn nữa mới hy vọng kế hoạch ứng phó với BĐKH triển khai hiệu quả.
“Chẻ” nhỏ mục tiêu để tăng hiệu quả

Dự thảo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ ra rằng, TP cố gắng triển khai các hoạt động giảm phát thải ở mức cao nhất có thể. Trong đó, đưa ra mục tiêu tham khảo là 10,5% tự đóng góp và 19,2% nếu có hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần chia nhỏ mục tiêu cụ thể, chi tiết hơn nữa mới hy vọng kế hoạch ứng phó với BĐKH triển khai hiệu quả.

Biến đổi khí hậu đang khiến TPHCM có nguy cơ ngập nhiều hơn. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều đối tượng bị tổn thương

GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi, nhấn mạnh tác động của BĐKH hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân; nhất là phụ nữ, trẻ em, người thu nhập thấp. Do vậy, việc duy trì cung cấp nguồn nước an toàn; giảm khả năng ngập úng, ô nhiễm môi trường… trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là điều cực kỳ quan trọng.

Theo lãnh đạo Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH, trong tương lai gần, ứng với các năm 2020 và 2030, các quận, huyện trên địa bàn TPHCM có khả năng bị ngập vĩnh viễn với diện tích lớn như: Bình Chánh, Cần Giờ, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 2, quận 9. Ngoài ra, BĐKH khiến nhiệt độ cao, gió mạnh làm giảm hiệu suất truyền dẫn điện, có thể gây thiệt hại đến hệ thống truyền dẫn điện trên mặt đất. Thông tin từ Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (ICEM), ước tính khoảng 60% đường dây 500kV hiện hữu nằm trong vùng ngập mà chưa có giải pháp kiểm soát; gần 400km đường dây 220kV hiện hữu và 200km đường dây 220kV quy hoạch nằm trong vùng ngập… Mùa khô bị xâm nhập mặn nhiều hơn; việc khai thác nước ngầm gia tăng.

Trước những tác động khó lường của BĐKH, hàng loạt giải pháp ứng phó đã được TPHCM đưa ra, bao gồm: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo lên trên 1,74% so với tổng năng lượng điện tiêu thụ của toàn TP; nâng cấp mạng lưới điện; cải thiện hệ thống chiếu sáng… Đối với lĩnh vực giao thông, chủ trương khuyến khích, nâng tỷ lệ phát triển hệ thống giao thông “xanh” thân thiện với môi trường. Về lĩnh vực cấp nước, phấn đấu kéo giảm thất thoát nước sạch trên mạng lưới cấp nước xuống dưới 25% (hiện từ 32% - 34%). Bắt đầu quy hoạch không gian, thu hồi và xác định khu đất để chuyển địa điểm thu nước thô phục vụ cấp nước từ vị trí hiện tại trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đến hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng, đảm bảo tính khả thi của các giải pháp cấp nước an toàn dài hạn.

Phối hợp liên ngành

 

 Đáng chú ý, BĐKH phát sinh thêm nhiều bệnh truyền nhiễm, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Có hàng loạt bệnh ảnh hưởng do thay đổi thời tiết, chẳng hạn huyết áp, hen suyễn và dị ứng, đau tim, chứng tăng động, viêm xoang… Đối với lĩnh vực xây dựng, BĐKH cũng tác động mạnh. Cụ thể, sự gia tăng nhiệt độ trung bình ảnh hưởng đến chất lượng, làm biến dạng các công trình xây dựng, giảm tuổi thọ vật liệu xây dựng. Nhiệt độ tăng cao cũng ảnh hưởng tới kết cấu các công trình giao thông. Việc gia tăng lượng mưa làm ảnh hưởng đến thời gian thi công các công trình, chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công…

 

TS Trần Thị Mỹ Diệu, Trưởng khoa Công nghệ và Quản lý môi trường - Trường Đại học Văn Lang, góp ý: “Muốn thực hiện được kế hoạch hành động thì cần chia nhỏ mục tiêu, phân cấp cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực. Đơn vị nào làm gì, giảm phát thải bao nhiêu? Ví dụ, để giảm phát thải từ hệ thống chiếu sáng cần tốn bao nhiêu tiền; nguồn tiền này từ đâu ra, ai làm? Nếu trả lời được những câu hỏi này thì mục tiêu sẽ sớm được thực hiện hiệu quả”. Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, chia sẻ thêm, thế giới đang tập trung cho việc thích ứng với BĐKH. Từ đầu năm 2016 đến nay, BĐKH diễn ra mạnh, cực đoan trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở này, cần có các tính toán, nghiên cứu, dự báo về BĐKH trong thời gian tới.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong việc giảm phát thải, thích ứng với BĐKH trên địa bàn TP, lãnh đạo Văn phòng BĐKH TPHCM cho biết, ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của cả xã hội. Việc thích ứng với những tác động, thách thức của BĐKH song hành với tận dụng những cơ hội do các tác động của BĐKH tạo ra để phát triển cơ sở hạ tầng. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TPHCM nhằm hướng tới một nền kinh tế bền vững, ít phát thải khí CO2. Song song đó, để đạt hiệu quả tích cực, TPHCM cần chủ động, nỗ lực gắn kết với vùng, các địa phương khác của cả nước về việc ứng phó với BĐKH, thể hiện vai trò tiên phong, đầu tàu của cả nước.

Lãnh đạo Văn phòng BĐKH TPHCM cũng lưu ý, ứng phó với BĐKH cần được thực hiện trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật, đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao ý thức nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công tư nhằm huy động mạnh mẽ, hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa…

Làm sạch đến đâu, bảo vệ đến đó

Thời gian qua, TPHCM có rất nhiều phong trào làm sạch kênh mương, công viên và một số địa điểm công cộng khác nữa. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau phong trào, hầu hết các nơi làm sạch đã… dơ trở lại, kênh rạch lại đầy rác, công viên bừa bộn trở lại, nhiều điểm công cộng lại trở thành… bãi rác. Trách nhiệm trước tiên, thuộc về những người đã có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, nếu ngành chức năng có biện pháp giữ gìn thành quả làm vệ sinh đó thì tình trạng “hoàn nguyên” sẽ được hạn chế. Ví dụ, sau khi dọn sạch rác, ngành chức năng có ngay kế hoạch bố trí thùng rác ở khu vực này để người dân có nơi vứt rác khi cần. Hay hơn nữa, ở những nơi có diện tích tương đối lớn, ngành chức năng có thể tổ chức trồng cây xanh, lát gạch sạch sẽ để biến thành nơi vui chơi cho cư dân địa phương và giao cho đội, đoàn thanh niên nơi đó bảo quản, giữ gìn, chăm sóc cây xanh. Tốt nhất là xã hội hóa việc đầu tư này cho các doanh nghiệp và “trả” lại quyền lợi cho họ bằng việc cho phép họ được ghi tên trên các thùng rác, ghế ngồi… đặt ở đây.

Chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa để làm sạch TP nếu như ngành chức năng có kế hoạch dài hơi cho công tác này. Từng điểm, từng khu phố, từng đoạn kênh, rạch được làm sạch sẽ góp phần làm cho TP sạch, đẹp hơn. TPHCM đã có nhiều phong trào bảo vệ môi trường, chỉ cần nối dài hơn nữa các phong trào này, gắn kết nó chặt chẽ hơn với thực tế cuộc sống thì không những uy tín của các phong trào được nâng lên mà “tuổi đời” của chúng cũng sẽ dài ra…

SƠN LAM


Khơi thông dòng chảy trong khi chờ… hồ điều tiết

Việc lãnh đạo TPHCM chỉ đạo quận 12 và huyện Hóc Môn nạo vét, khơi thông dòng chảy của 18 tuyến kênh rạch bị ô nhiễm trên địa bàn là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về phát triển đô thị và môi trường, TPHCM nên mở rộng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy cho tất cả các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP. Hầu hết tuyến cống thoát nước của TPHCM đều đổ ra kênh rạch. Nước triều từ biển cũng phần lớn tràn vào TP qua các tuyến kênh rạch. Do đó, nạo vét, khơi thông dòng cho tất cả các tuyến kênh rạch đang bị ô nhiễm, bị bồi lắng… cũng có nghĩa giúp cho công tác chống ngập của thành phố hiệu quả hơn.

Tất nhiên, kinh phí sẽ là vấn đề lớn cho việc này. Thế nhưng, nếu so với nhiều công trình chống ngập khác, việc nạo vét, thông dòng kênh rạch không những có hiệu quả tốt trong công tác chống ngập, mà còn giúp thành phố sạch đẹp hơn, môi trường trong lành hơn. Đặc biệt là khi TPHCM chưa thể triển khai xây dựng các hồ điều tiết nước như kế hoạch. Kênh rạch được nạo vét sâu hơn cũng đồng nghĩa với việc trữ được nhiều nước hơn - như một trong những mục tiêu quan trọng mà hồ điều tiết hướng tới, trong bối cảnh mưa càng ngày càng nhiều và lớn hơn.

TPHCM có 5 lưu vực thoát nước chính là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Trong đó, 3/5 lưu vực đã hoàn thành công tác nạo vét, thông dòng là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé; 2 lưu vực còn lại đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trên địa bàn TP còn rất nhiều các tuyến kênh rạch nhỏ khác nằm rải rác khắp các quận, huyện. Phần lớn những tuyến kênh rạch này chưa được nạo vét, thông dòng. Việc này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc thoát nước và môi trường sống của người dân như chính người dân đã phản ánh với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khi đồng chí tiếp xúc với người dân huyện Hóc Môn. Do vậy, thiết nghĩ, ngành chức năng nên xem xét kỹ đến đề xuất nêu trên.

TÂM ĐỨC

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục