
Trong Đảng bộ TPHCM, có khá nhiều chi bộ chỉ có 3 đảng viên nên ở chi bộ này có 3 người thì phải đâu là chuyện lạ! Chuyện đáng nói là ở chỗ cả 3 đều làm nhân viên tại một cơ sở sản xuất tư nhân của doanh nghiệp người Hoa, đều phấn đấu và được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong cùng một năm, rồi thành lập chi bộ tại nơi họ gắn bó làm việc đã hơn chục năm qua. Đó là chi bộ cơ sở Vạn Phong thuộc Đảng bộ ngoài quốc doanh quận 5.

Tranh thủ họp chi bộ ngay tại xưởng sau giờ làm việc (từ phải sang: Cẩm Nga, Ngọc Hùng, Ngọc Trượt).
Bí thư chi bộ Trần Cẩm Nga là một phụ nữ người Hoa nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi chị Nga vào làm việc tại Xí nghiệp hợp doanh Bao bì xuất khẩu quận 5 (năm 1984), ông Trương Long là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Tinh thần cầu tiến, trách nhiệm, trung thực trong công việc của chị Nga đã tạo cho ông Long sự tin cậy và tín nhiệm. Đến 1990, xí nghiệp giải thể, ông Trương Long thành lập Cơ sở bao bì Vạn Phong và đề nghị chị Nga ở lại làm quản lý giúp mình.
Cùng thời gian này, hai anh em Nguyễn Văn Ngọc Trượt, Nguyễn Văn Ngọc Hùng xin vào cơ sở Vạn Phong làm công nhân. Lớn hơn Hùng 3 tuổi, Ngọc Trượt - người anh - học xong lớp 11 thì theo người thân học kỹ thuật sản xuất giấy làm bao bì. Khi ấy Hùng vừa mới xong lớp 9, cũng nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Ban ngày làm ở Vạn Phong, ban đêm Hùng theo học bổ túc văn hóa cấp 3. Nhưng cũng giống người anh Ngọc Trượt, học đến lớp 11 thì Hùng… nghỉ ngang. Nguyên nhân: thời gian đó, thành phố còn bị cúp điện luân phiên vào ban ngày, để sản xuất hàng kịp giao đúng hợp đồng, công nhân của Vạn Phong phải làm ca đêm.
Thiếu chữ nhưng không thiếu chí, cả Trượt và Hùng đều cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những người chung quanh để nâng cao tay nghề. Ban đêm - làm, ban ngày hai anh em lại đi theo ông thợ sửa máy để học lóm cách sửa chữa 8 cỗ máy của cơ sở. Đến lúc bác thợ lớn tuổi nghỉ hẳn, hai anh em “xử” luôn mỗi khi máy móc gặp sự cố. Chị Nga và nhiều công nhân khác nhận xét: “Tụi nó sửa còn hay hơn thợ máy”. Ngọc Hùng giải thích khá đơn giản: “Có gì đâu, vì mình trực tiếp vận hành máy nên hiểu ý nó hơn thôi!”. Hiện nay, Trượt phụ trách kỹ thuật ở công đoạn 1, Hùng ở công đoạn 2. Cùng với chị Nga, 3 người đều giữ những vị trí trọng yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vạn Phong.
Ban đầu, ông Trương Long có phần ngần ngại khi Ban công tác xây dựng lực lượng chính trị quận 5 đến đặt vấn đề bồi dưỡng 3 nhân viên của ông vào Đảng và thành lập chi bộ tại Cơ sở Vạn Phong. Mối quan tâm hàng đầu của chủ doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế. Ông lo ngại nhân viên mất thời gian vào những sinh hoạt đoàn thể, chính trị. Hiểu rõ tâm trạng của chủ, 3 người đã gặp ông Long để thuyết phục. “Tụi cháu rất muốn vào Đảng, đó là một vinh dự lớn không phải ai cũng có được. Tụi cháu đảm bảo với chú rằng công việc chẳng những không bị ảnh hưởng mà ngược lại, là đảng viên, tụi cháu sẽ bảo ban nhau làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa”.
Bằng thực tế công việc, 3 chị em đã chứng minh mình làm đúng những điều đã hứa. Đảng bộ ngoài quốc doanh quận 5, Ban công tác cũng rất linh động trong việc tổ chức học tập, hội họp đối với các đối tượng Đảng, đảng viên làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Tháng 11-2003, chị Trần Cẩm Nga được kết nạp Đảng. Một tháng sau, Trượt và Hùng được kết nạp Đảng. Từ đồng nghiệp, họ đã trở thành đồng chí.
“Vẫn là làm công ăn lương, nhân viên –đảng viên có khác gì so với nhân viên –dân thường không?” - tôi hỏi. Các câu trả lời đều giống nhau: “Khác chứ!”. Ngọc Hùng tâm sự: “Em thấy cả nhận thức và ý thức của mình đều được nâng lên. Nói thật lòng, trước kia tụi em chỉ cần làm xong công việc chủ giao thì thôi. Còn bây giờ, hễ ít hợp đồng thì mình thấy xót cho anh em công nhân vì sẽ không có tiền làm tăng ca để có thêm thu nhập. Cơ sở Vạn Phong không làm khâu tiếp thị, chỉ khách hàng nào biết thì tự tìm đến. Em và anh Trượt đã thông qua bạn bè mình để tìm thêm khách hàng cho cơ sở”.
Cách tiếp thị của hai đảng viên trẻ là sau giờ làm việc rủ bạn bè đi uống cà phê hoặc ăn chiều - bằng tiền túi - để nhờ giới thiệu khách hàng. Hoàn toàn không có tiền huê hồng, không có chi phí tiếp khách, thêm vào đó thời gian đầu còn bị vợ cằn nhằn vì cứ vắng mặt buổi cơm chiều nhưng cả hai đều không nản lòng. “Không thiệt đâu - họ cười - ví dụ ăn bữa chiều tốn 100.000 đồng nhưng bù lại, công tác quản lý của tụi em càng thêm thuận lợi. Anh em công nhân thấy mình tìm thêm được việc làm về, họ càng thêm tín nhiệm, gắn bó với mình. Nhờ đó, công việc chạy tốt hơn, chú Long càng yên tâm hơn”.
Bí thư chi bộ Trần Cẩm Nga khẳng định: “Tôi thường trò chuyện với chú Long về những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để chú hiểu thêm và quyết định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh. Tôi thấy chú rất tin tưởng 3 nhân viên - đảng viên của mình, giao cho chúng tôi thực hiện toàn bộ các công việc quan trọng của Cơ sở Vạn Phong”.
PHONG LAN