Vẫn đang có một số ý kiến cho rằng: cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xác định các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh được mở bến xe, đón, trả khách trong khu vực nội thành TPHCM. Khách quan, đây cũng là một trong những nỗ lực nhằm lập lại trật tự vận tải, chống xe dù, bến cóc và giúp hành khách tiếp cận xe thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế của cả nước và cũng là một trong những thành phố trên thế giới được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, TPHCM đã và đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước gây ùn tắc giao thông ngày càng nặng nề hơn. Ùn tắc giao thông hiện nay không chỉ xảy ra trong giờ cao điểm mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Trong 5 năm qua, xe gắn máy 2 bánh tăng gần 3 triệu chiếc, từ 4,9 triệu xe năm 2010 và nay là 7,6 triệu xe. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, có hơn 60.000 ô tô và 3.500 xe tải đăng ký mới. Số lượng xe hơi tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Trước đây, ùn ứ giao thông giờ cao điểm sáng chỉ kéo dài đến 8-9 giờ, nay kéo dài đến 10-11 giờ trưa và buổi tối ùn ứ cũng kéo dài đến 22 giờ, so với trước đây chỉ đến khoảng 20 giờ. Những cơn mưa lớn, gây ngập, làm ách tắc giao thông cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 30 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Tính riêng trong 5 năm từ năm 2011-2016 đã có 13 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Cùng với mưa, triều cường cũng luôn duy trì ở mức cao. Tình trạng ngập nước, gây kẹt xe nghiêm trọng tại TPHCM trong những ngày qua có nguyên nhân quan trọng từ việc triều cường lên tới hơn 1,6m.
Trong bối cảnh giao thông TPHCM đang có quá nhiều khó khăn như vậy, cho phép các đơn vị vận tải hình thành thêm bến xe trong nội thành và tổ chức đưa, đón khách ở đây, không khác nào tạo thêm khó khăn cho thành phố. Chưa kể, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến những năm sau năm 2020, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 2 bến xe khách miền Đông và miền Tây mới ở huyện Bình Chánh và quận 9. Kết nối đến 2 bến xe này, TPHCM đã có kế hoạch phát triển 2 tuyến metro đi từ trung tâm thành phố tới 2 bến xe. Đó là tuyến metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên kết nối với Bến xe miền Đông mới và tuyến metro 3A Bến Thành - Tân Kiên kết nối với Bến xe miền Tây mới. Và hiện tại dù chưa có 2 tuyến metro này, TPHCM cũng đã tổ chức nhiều tuyến xe buýt đưa, đón hành khách ở 2 bến xe miền Đông và miền Tây hiện hữu. Chưa hết, hiện có nhiều doanh nghiệp vận tải đã tổ chức nhiều điểm đưa đón (bằng xe nhỏ) hành khách từ nội thành ra bến xe và ngược lại. Đi lại thuận tiện như vậy, hà cớ gì phải cho xây dựng thêm bến xe trong nội thành? Nếu cần thiết, căn cứ vào các quy định của pháp luật về giao thông, căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tình hình giao thông thực tế tại các địa phương, TPHCM xem xét, tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải tổ chức thêm điểm trung chuyển hành khách từ nội thành ra các bến xe. Việc này vừa giúp hành khách đi xe khách liên tỉnh đi lại thuận lợi vừa góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông chung cho toàn thành phố.
TÂM ĐỨC