Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin Bộ GD-ĐT thí điểm dạy tiếng Trung, tiếng Nga (ngoại ngữ thứ nhất) trong trường phổ thông. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng, ngành giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, không nên đầu tư các thứ tiếng khác. Thậm chí có phụ huynh còn phản ứng dữ dội khi cho rằng, sẽ cho con chuyển trường nếu con họ phải học tiếng Trung, tiếng Nga.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh quận 1 TPHCM trong giờ học Anh văn tại phòng Multimedia. Ảnh: MAI HẢI
Trong ý kiến đăng tải trên facebook cá nhân, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ, việc học sinh được chọn 1 trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Và trong số 5 sinh ngữ ấy, nên có tiếng Trung. GS Ngô Bảo Châu viết: “Vì nước Mỹ là nước giàu nhất thế giới nên tất cả con em Việt Nam phải chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất? Giống như đã từng có lúc Liên Xô vĩ đại là mô hình để cả nhân loại dõi theo nên tất cả trẻ con phải học tiếng Nga. Hiển nhiên việc trẻ con có thể chọn 1 trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Hiển nhiên trong số 5 sinh ngữ đấy phải có tiếng Trung. Để tồn tại bên cạnh Trung Quốc, chúng ta không có lựa chọn nào khác là buôn bán với họ, nếu có lãi thì tốt, hiểu văn hóa của họ, nếu hiểu họ hơn họ hiểu ta thì tốt”. Ý kiến này của GS Ngô Bảo Châu đã nhận được rất nhiều ý kiến bình luận và lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người chia sẻ ủng hộ quan điểm của GS Ngô Bảo Châu vì cho rằng, việc chọn học ngôn ngữ gì là do sở thích và nhu cầu mỗi người. Tuy nhiên, một số người cũng tranh luận ý kiến của GS Ngô Bảo Châu ở nhiều khía cạnh, trong đó phổ biến là ý kiến “ai thích học thì học, không cần phổ cập tiếng Trung, tiếng Nga”.
Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 5 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật làm ngoại ngữ thứ nhất (là ngoại ngữ bắt buộc, tức đã học là phải thi). Còn “ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn 1 trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai (sau khi đã chọn 1 trong 5 thứ tiếng để làm ngoại ngữ thứ nhất). Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD-ĐT cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.
Thực tế, trong 5 thứ tiếng được quy định là ngoại ngữ thứ nhất, các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật đã được giảng dạy trong các trường phổ thông từ cấp tiểu học (hệ 10 năm), trong khi tiếng Trung Quốc và tiếng Nga chưa được giảng dạy từ cấp tiểu học mà học từ năm lớp 6 (hệ 7 năm). Nhiều nơi giáp biên giới Trung Quốc, học sinh có nhu cầu học tiếng Trung thay vì học ngoại ngữ khác. Một số trường ở TPHCM, Hà Nội và địa phương khác cũng có nhu cầu mở lớp tiếng Trung cho học sinh có nhu cầu. Vì vậy trong dự thảo Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Bộ GD-ĐT muốn đưa thêm tiếng Nga, tiếng Trung Quốc vào giảng dạy từ cấp tiểu học như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Theo lý giải của các chuyên gia giáo dục, việc chọn học ngoại ngữ nào trong số 5 ngoại ngữ là quyền của học sinh căn cứ vào điều kiện về đội ngũ giáo viên của nhà trường. Không có chuyện ép buộc học sinh phải học một ngoại ngữ nào. Càng không có chuyện bắt buộc học sinh phải học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất. Tuy nhiên, thực tế ở một số trường, nhà trường tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh căn cứ vào điều kiện về đội ngũ giáo viên, ví dụ có giáo viên tiếng Trung thì dạy tiếng Trung; có giáo viên Nga thì dạy tiếng Nga...
Với phản ứng của dư luận hiện nay, rõ ràng khi triển khai, Bộ GD-ĐT phải tính toán hợp lý để bảo đảm nguyên tắc “học sinh được lựa chọn 1 trong 5 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật làm ngoại ngữ thứ nhất” như Bộ GD-ĐT đã nêu. Đơn cử, chỉ nên dạy tiếng Trung, tiếng Nga ở những nơi mà học sinh có nhu cầu thực sự, không nên vì điều kiện về đội ngũ giáo viên của nhà trường mà mặc định học sinh phải học một ngoại ngữ nào đó.
LÂM NGUYÊN