Ông Zuma có thể sẽ phải đối mặt với 18 tội danh khác nhau bao gồm tham nhũng, rửa tiền và làm ăn phi pháp, liên quan 873 khoản tiền mờ ám mà các công tố viên cho rằng ông Zuma đã nhận được trong suốt gần 10 năm cầm quyền. Trước ông Zuma, cựu Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe cũng bị phế truất sau 37 năm cầm quyền ở độ tuổi 93 với nhiều cáo buộc tham nhũng và lạm quyền…
Ông Zuma hay Mugabe không phải trường hợp cá biệt. Trong các bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng, hầu hết các nước châu Phi đều nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Kể từ khi độc lập vào những năm 1960, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã làm giàu bất chính từ chính chiếc ghế của họ.
Chẳng hạn như Nam Sudan. Đất nước Đông Phi này rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn từ tháng 12-2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar xảy ra. Hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người đói và hơn 4 triệu người phải bỏ đi tị nạn, lớn nhất ở châu Phi kể từ nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994.
Giữa những khổ đau ấy, một nhóm nhỏ trong tầng lớp cấp cao của chính phủ và gia đình hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến, từ những hợp đồng béo bở cho công trình nhà nước. Điều tra mới của Sentry cho thấy, giữa năm 2014 và năm 2015, các chính trị gia hàng đầu, các nhà lãnh đạo quân sự, các cơ quan chính phủ và các công ty thuộc sở hữu của các chính trị gia và thành viên gia đình họ đã ăn chặn hơn 80 triệu USD. Tài sản của họ được giấu an toàn bên ngoài biên giới Nam Sudan, trong khi cuộc chiến tranh mà họ tạo ra đã làm cho cuộc sống của người dân trở thành địa ngục. Nhiều quốc gia châu Phi bị kiệt quệ bởi xung đột như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Sudan… cũng vậy. Dầu, vàng, kim cương, coban, đồng, động vật hoang dã và một loạt các khoáng sản khác bị buôn lậu… đã mang lại cơ hội cho những người cầm quyền lấp đầy túi.
Đáng nói là hiện vẫn không có chiến lược phối hợp để ngăn tình trạng này. Mỗi năm, hàng tỷ USD viện trợ đổ vào châu Phi thông qua các nhà tài trợ trên toàn thế giới, các chương trình xây dựng nhà nước, hỗ trợ nhân đạo, bầu cử, và các tiến trình hòa bình, nhưng không có sự hỗ trợ nào ngăn được các nhà lãnh đạo tham nhũng và phe cánh ăn cắp hàng tỷ USD. Đó chính là lỗ hổng nghiêm trọng trong tạo dựng hòa bình ở châu Phi. Những người ủng hộ hòa giải thiếu đòn bẩy cần thiết để ngăn chặn các hình thức tham nhũng hoặc đấu tranh để duy trì quyền lực giữa các phe phái.
Công cụ được lựa chọn để tạo đòn bẩy không gì khác ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng chỉ được sử dụng một cách rất dè chừng ở châu Phi. Chúng chỉ được áp dụng cho một vài cá nhân tại một thời điểm, với sự thực thi rất ít, hiếm khi được mở rộng tới các đối tác thương mại, cả trong và ngoài châu Phi. Lãnh đạo tham nhũng coi việc trừng phạt như một mối đe dọa mơ hồ chứ không nghiêm trọng nào đối với quyền lực của họ. Viết cho Foreign Affairs, các tác giả George Clooney và John Prendergast cho rằng để bắt đầu, các biện pháp trừng phạt phải được áp dụng đối với toàn bộ mạng lưới chứ không chỉ là cá nhân. Chính phủ điều hành tốt, minh bạch sẽ là chìa khóa dẫn tới hòa bình cho châu lục này.