Ngày 13-11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ GD-ĐT tổ chức để vinh danh 42 giáo viên đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp mặt để lắng nghe ý kiến các thầy cô giáo.
Tại buổi gặp, câu chuyện về một giấc mơ dang dở của em học sinh Nguyễn Hà Bảo Châu tại huyện đảo Trường Sa được các thầy cô chia sẻ đã làm rung động bất cứ ai khi nói về những thiếu thốn của học sinh xã đảo. Bảo Châu đang ngủ thì mơ thấy đi vào tiệm mua được bánh mì, em chưa kịp ăn thì bị mẹ đánh thức dậy. Bảo Châu rất tiếc vì tỉnh giấc khi chưa kịp ăn bánh. Người mẹ thương con cứ áy náy mãi, “nếu biết con đang ăn thì mẹ sẽ không đánh thức con”. Đó là câu chuyện có thật để thấy rằng học trò ngoài đảo với món quà là bánh mì đơn giản thôi cũng là xa xỉ biết bao...
Học trò ở đảo với món bánh mì cũng là xa xỉ
biết bao...
Nhiều tâm tư, kiến nghị của các thầy cô giáo đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo đã được thẳng thắn gửi đến người đứng đầu ngành giáo dục. Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (Kiên Giang) cho biết cô đã có 29 năm công tác tại xã đảo. Ngày đầu tiên ra đảo là năm 1987, các phương tiện liên lạc đều hạn chế, nước và điện rất hiếm, dân cư thưa thớt, phụ huynh muốn con em đi biển chứ không muốn con em đến trường. Học sinh thường xuyên bỏ học, mỗi lần cô đi dạy phải lội qua núi 3 - 4 giờ. Cô Thủy chỉ mong muốn các em học trò trên xã đảo được quan tâm nhiều hơn, nhất là được tiếp cận những công nghệ hiện đại như phòng dạy ngoại ngữ, máy chiếu, để các em bắt kịp với các em học sinh trên đất liền. Cô Nguyễn Thị Hợi, sinh năm 1966, giáo viên Trường phổ thông cơ sở Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đã có thời gian công tác trên đảo là 29 năm 7 tháng. Nơi cô dạy còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị công nghệ thông tin, vì vậy cô chỉ mong được xây thêm phòng chức năng, phòng thí nghiệm hóa, lý cho học sinh. Thầy Đoàn Văn Kiều (Sơn Hải, Tiền Giang) bày tỏ nỗi xót xa khi ở nhiều xã đảo, học sinh chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ học vì nhà nghèo. Thầy mong sao có thêm chế độ cho những học sinh khá giỏi để tiếp tục học trong đất liền…
Trong số 42 giáo viên được tuyên dương lần này, người nhiều tuổi nhất là cô Phan Hoàng An (Trường THCS Phước Thể, tỉnh Bình Thuận) đã 54 tuổi, chuẩn bị về hưu và người trẻ nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân (Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) mới 25 tuổi. Có người đã gần tròn 30 năm dạy học ngoài đảo. Họ đều là những người đã dành hết tâm huyết của mình để bám xã đảo, gieo kiến thức cho học sinh. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng khi có cơ hội để nói lên tâm tư của mình, thầy cô vẫn chủ yếu dành thời gian để kiến nghị cho học sinh của mình được có thêm điều kiện học tập tốt, có thêm chính sách để các em không phải bỏ học dở chừng. Những kiến nghị cho mình, thầy cô dường như đã dành hết cho các em…
Trân trọng ý kiến của các thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ luôn nỗ lực để đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục ở các xã đảo. Tuy nhiên, đầu tư về trường lớp vẫn chưa đồng bộ. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các sở, các nhà tài trợ để có nhiều nguồn đầu tư chất lượng. Về ý kiến liên quan đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tiếp, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề quan trọng bởi những “hạt giống” có năng lực tốt được tiếp tục học chính là lợi ích kép. Không ai khác, các em sẽ là những người sau này đóng góp cho quê hương xã đảo. Với tâm huyết của thầy cô, người đứng đầu ngành giáo dục cam kết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đầu tư, gây những quỹ học bổng và đề nghị một số trường ĐH-CĐ tạo điều kiện miễn học phí cho các cháu. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tạo học bổng để học sinh xã đảo yên tâm học tập...
PHAN THẢO