Chiến lược cân bằng tăng trưởng

Theo số liệu Chính phủ Singapore công bố sáng 2-1, nền kinh tế quốc đảo này đạt tăng trưởng trong quý 4-2012, tránh được tình trạng suy thoái kinh tế từ góc độ kỹ thuật. Theo Bộ Công thương Singapore, quý 4 năm ngoái, mức tăng trưởng GDP là 1,1% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong quý 3-2012 là 0%. Về tăng trưởng hàng quý, GDP quý 4 vừa qua tăng 1,8% so với quý 3.

Trước đó, giới phân tích lo ngại rằng kinh tế Singapore có nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật (2 quý liên tiếp tăng trưởng giảm) sau khi tăng trưởng GDP quý 3 năm ngoái giảm tới 6,3% so với quý trước đó. Michael Wan, kinh tế gia tại Ngân hàng đầu tư Credit Suisse nhận định rằng đây là bất ngờ thú vị, một phần vì nhiều người từng nghĩ Singapore có thể “vướng” suy thoái kỹ thuật. Mặc dù chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 1,2% trong năm qua nhưng khu vực dịch vụ đã cứu kinh tế Singapore trong bối cảnh khu vực sản xuất suy yếu (giảm 0,2%) do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và kinh tế Mỹ vẫn uể oải khiến mức cầu của thị trường thế giới tiếp tục yếu.

Đi đầu là phát triển du lịch và lĩnh vực logistic. Mặc dù là quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế nhưng Singapore đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2012, Singapore đã kịp thời chuyển hướng trọng tâm vào du lịch khi mạnh tay chi 300 triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, thêm 340 triệu đô la Singapore phát triển các sản phẩm du lịch và 265 triệu đô la Singapore phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, Singapore dự kiến đến năm 2015 sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch thêm 2 tỷ đô la Singapore để đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế nhằm đạt mức doanh thu từ du lịch khoảng 30 tỷ đô la Singapore.

Nước này cũng tiếp tục thừa hưởng thành quả từ một hệ thống logistics tốt nhất thế giới hiện nay. Hơn thế nữa, Singapore đã xây dựng thành công cổng công nghệ thông tin gọi là Portnet, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi các hãng tàu, các hãng vận chuyển đường bộ, các nhà giao nhận và cả các cơ quan chính phủ. Nhờ vậy, Singapore vẫn tiếp tục duy trì ngoạn mục vị trí nền kinh tế dịch vụ đứng đầu châu Á.

Singapore được đánh giá cao bởi biết cách cân bằng tăng trưởng kinh tế với các nhu cầu trong nước. Theo East Asia Forum, kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011, chính phủ Singapore đã nỗ lực giải quyết các nhu cầu trong nước, trong đó bao gồm siết chặt tuyển dụng lao động nước ngoài, tăng cường đầu tư phương tiện giao thông công cộng (tiếp tục chi 1,1 tỷ đô la Singapore vào việc đầu tư cải thiện chất lượng xe bus công cộng trong 5 năm tới), điều chỉnh trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, mở rộng cơ hội giáo dục đại học…

Tuy tránh được suy thoái kỹ thuật song Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định GDP Singapore dự kiến chỉ tăng trưởng 1%-3% trong năm 2013 bởi kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn. Việc cân bằng các chiến lược tăng trưởng hiện tại với các nhu cầu trong nước tiếp tục là trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách trong vài năm tới.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục