Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh được xem như là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; ứng phó có hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Để chiến lược này thành công rất cần có những cơ chế hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh.
Trồng cây bảo vệ môi trường tại TPHCM
Giảm thải nhà kính
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo với chỉ tiêu giai đoạn 2011 - 2020; giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8% - 10%, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1% - 1,5% /năm. Xanh hóa sản xuất, đến năm 2020, đạt giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42% - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 80%, đầu tư các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên đạt 3% - 4%. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định 60%, cải thiện các khu vực bị ô nhiễm nặng đạt 100%.
Hiện Việt Nam đang tích cực biến tư duy thành hành động để thực hiện những nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, Việt Nam hiện đã tích cực tham gia các hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững; ký Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển; Chương trình nghị sự 21 toàn cầu… đồng thời cam kết thực hiện phát triển bền vững. Cùng với đó, Việt Nam đã ban hành các chính sách liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, trọng tâm là tăng trưởng xanh xuyên suốt từ trung ương bằng các nghị quyết của Đảng, đến các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch hành động của Chính phủ và của các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao đời sống người dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
Cần 30 tỷ USD
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh vào năm 2020, Việt Nam cần 30 tỷ USD, trong đó, 70% sẽ từ khu vực ngoài Nhà nước, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và từ các nhà tài trợ nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam có thể mất 2% - 6% của GDP để khôi phục thiệt hại do BĐKH gây ra. Số tiền trên dùng để thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ với 66 hoạt động theo các chủ đề: thể chế, rà soát các quy hoạch, chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội kinh doanh cho phát triển DN và tài chính.
Tại Hội thảo “Kết quả rà soát khung thể chế và pháp lý về kế hoạch và đầu tư, năng lượng, công nghiệp và môi trường theo hướng tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục - Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhìn nhận, hiện Việt Nam còn thiếu chính sách để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ khí hậu quốc tế, bên cạnh đó là sự yếu kém trong thu hút các nhà đầu tư. Tại hội thảo này, các chuyên gia nước ngoài cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Đây là những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững cũng như ứng phó với BĐKH. Trong đó có nhiệm vụ là rà soát khung thể chế và các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo ông Dr Taeho Ro, Giám đốc điều hành Trung tâm Chiến lược Quốc tế, Viện Môi trường Hàn Quốc, Việt Nam đang cố gắng áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh và kinh nghiệm, kiến thức từ một số quốc gia để đối phó với những thay đổi xã hội và môi trường đa dạng là kết quả của công nghiệp hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế. Ông Dr Taeho Ro cũng nhấn mạnh, các tập đoàn cần tăng cường hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý và thể chế góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng môi trường, xã hội và kinh tế hơn nữa.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần có cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể khai thác nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nhà tài trợ nước ngoài trong thời gian qua đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực về thể chế chính sách, tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó với BĐKH như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức…
HÀ PHƯƠNG