Chiến sự Libya: Tổng thống Obama “tự bảo vệ”

Sáng 29-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu trước dân chúng Mỹ nhằm bảo vệ quyết định tham chiến tại Libya và giải thích vai trò của Mỹ trong trong chiến dịch này.
Chiến sự Libya: Tổng thống Obama “tự bảo vệ”

Sáng 29-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu trước dân chúng Mỹ nhằm bảo vệ quyết định tham chiến tại Libya và giải thích vai trò của Mỹ trong trong chiến dịch này.

  • Vì mục đích bảo vệ các lợi ích của Mỹ

Trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington không thể tiếp tục gánh chịu những phí tổn tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến ở Iraq thông qua việc tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự lật đổ nhà lãnh đạo Libya M.Gaddafi.

Liệu Tổng thống Barack Obama có tránh được vết xe đổ của người tiền nhiệm?

Liệu Tổng thống Barack Obama có tránh được vết xe đổ của người tiền nhiệm?

Tổng thống Obama tuyên bố quyết định can dự vào chiến dịch quân sự ở Libya của Mỹ “là sự can thiệp nhân đạo cần thiết để ngăn chặn thảm sát, nhưng Mỹ không lún sâu vào một cuộc chiến tranh vì những nguy cơ và chi phí cho hoạt động này”. Theo ông Obama, khi sử dụng sức mạnh quân sự, liên minh sẽ bị chia rẽ. Quân đội Mỹ sẽ phải tham chiến và nhiều người dân Libya sẽ là nạn nhân của “tên bay đạn lạc”. Cái giá phải trả còn là trách nhiệm của liên quân thời hậu chiến và như vậy là kịch bản Iraq.

Ông Obama nhấn mạnh: “Nói thẳng ra, chúng ta đã đi vào con đường ở Iraq... Nhưng sự thay đổi chế độ ở đó mất 8 năm, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Mỹ và Iraq cũng như gần 1.000 tỷ USD. Đó không phải là điều mà chúng ta có thể lặp lại ở Libya”.

Tổng thống Obama đã biện minh mạnh mẽ cho hành động can thiệp của Washington tại Libya là “hành động miễn cưỡng” nhằm bảo vệ những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy. Ông cho biết thêm sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp nhận toàn quyền chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân ở Libya từ ngày 30-3, Washington sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, tình báo, tìm kiếm cứu nạn...

Người dân xếp hàng mua nhiên liệu ở Ajdabiya ngay khi quân chính phủ đẩy lui lực lượng nổi dậy về phía Đông.

Người dân xếp hàng mua nhiên liệu ở Ajdabiya ngay khi quân chính phủ đẩy lui lực lượng nổi dậy về phía Đông.

  • Nỗ lực xoa dịu bị phản đối cả trong và ngoài nước

Bài phát biểu trên được coi là nỗ lực lớn nhất của Tổng thống Mỹ nhằm làm dịu làn sóng phản đối trong nước trước hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại Libya. Việc Tổng thống Mỹ chọn Đại học Quốc phòng quốc gia ở Washington để phát biểu cũng cho thấy ẩn ý của ông Obama, bởi bình thường các bài phát biểu với quốc dân của các tổng thống Mỹ diễn ra ở phòng bầu dục.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Obama kết thúc “bài biện minh”, hàng loạt nghị sĩ Mỹ của cả 2 đảng Cộng hòa-Dân chủ cùng chỉ trích dữ dội vì ông Obama không giải thích công khai sự tham chiến Mỹ ở Libya, thiếu mục tiêu rõ ràng và không đánh giá đúng tình hình.

Theo AP, Thượng nghị sĩ John McCain thuộc đảng Cộng hòa cho rằng, những ngôn từ của ông Obama khá bóng bẩy, nhưng đây vẫn là một quyết định sai lầm của Washington. “Mục tiêu của Tổng thống là lật đổ ông Gaddafi, song không cần thiết phải tốn tiền của công sức và phải dùng sức lực như vậy”.

Còn nghị sĩ Michael Steel cho rằng: “Bài phát biểu của ông Obama chưa làm rõ được vai trò của Mỹ tại Libya. Đến nay, người Mỹ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về khả năng thành công của chiến dịch quân sự”.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ John Boehner yêu cầu Tổng thống Obama phải giải thích đầy đủ về toàn bộ sứ mệnh của Mỹ ở Libya, bao gồm giải thích về lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như tất cả quá trình Mỹ tiến hành bảo vệ dân thường Libya.

Các tuyên bố trên không xoa dịu được quan điểm của dư luận bên ngoài nước Mỹ khi nhiều nước tiếp tục nhắc lại mối lo ngại rằng chiến dịch quân sự của nước ngoài tại Libya là hành động can thiệp vào một cuộc nội chiến chứ không phải thực hiện nghị quyết HĐBA LHQ. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga, cũng chỉ trích chiến dịch quân sự của NATO vượt khỏi những điều khoản trong Nghị quyết 1973.

Thủ tướng Nga Putin cũng đã lên án hành động quân sự đối với Libya của Mỹ và một số nước phương Tây. Ông Putin cho biết quyết định thiết lập vùng cấm bay tại Libya của HĐBA LHQ có thiếu sót, Nga không ủng hộ quyết định này, không có quốc gia nào có quyền can thiệp vào xung đột chính trị nội bộ của Libya. Nga cảm thấy bất an về hành động thường xuyên sử dụng vũ khí trên vũ đài quốc tế của Mỹ.

Bài phát biểu chính thức đầu tiên của ông Obama về cuộc chiến Libya diễn ra trong bối cảnh dư luận lo ngại Mỹ sẽ khó rút chân khỏi sự can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Fareed Zakaria, một nhà phân tích của CNN nhận định: “Đây là một bài phát biểu quan trọng. Nó được chuẩn bị khá kỹ càng, đảm bảo cả khía cạnh nhân đạo và chiến lược. Tuy nhiên, tại sao ông Obama không hiểu rằng, Washington có những lợi ích hạn chế ở một nơi trên thế giới mà không nghĩ đến việc hạn chế các nỗ lực quân sự của mình để giảm thiểu rủi ro”.

Ngày 29-3, tại London (Anh) diễn ra hội nghị quốc tế về Libya với sự tham dự của ngoại trưởng và đại diện cấp cao của gần 40 nước và tổ chức, nhằm thảo luận về tình hình tại Libya và bàn về việc mở rộng và tăng cường cam kết của cộng đồng quốc tế về việc thực hiện Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ.

Cùng ngày, Ủy ban Giám sát lệnh trừng phạt Libya - một ủy ban mới của LHQ - đã bắt đầu làm nhiệm vụ. Ủy ban được thành lập theo tinh thần của Nghị quyết số 1970, được thông qua ngày 26-2, về áp đặt các lệnh trừng phạt chống Libya, có nhiệm vụ giám sát các lệnh cấm vận vũ khí, cấm đi lại, phong tỏa tài sản... đối với Libya.

HẠNH CHI

Thông tin liên quan

>> Quân đội Libya đẩy lùi lực lượng chống chính phủ 

>> Liên quân tăng cường không kích vào Libya

>> Canh bạc nguy hiểm của Tổng thống Obama

Tin cùng chuyên mục