Gần 2 tháng nay, từ khi các trường đại học vào năm học mới, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh về những thủ đoạn lừa đảo nhắm vào sinh viên - nhất là những trường hợp mới từ các tỉnh về TPHCM học năm nhất. Phần lớn các nạn nhân đều là những thanh niên nghèo, đang cần tìm việc làm thêm để có tiền trang trải việc ăn học.
Những chiêu lừa cũ mèm
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Đỗ Ngọc Hằng (ngụ Phú Yên) kể: “Con tôi đang ở trong nhà trọ thì có hai thanh niên mặc đồ lịch sự, đeo thẻ nhân viên y tế gõ cửa nói đang có dịch sốt xuất huyết và khu nhà trọ này đang trong ổ dịch, chính quyền địa phương yêu cầu phải đóng 1,5 triệu đồng để mua thuốc phun. Con tôi bảo rằng mình chỉ là người ở trọ, nên sẽ báo lại chủ nhà trọ đóng tiền sau, nhưng hai nhân viên y tế giả danh này bảo cứ đóng trước để kịp chiều có người xuống phun thuốc, họ sẽ xuất biên nhận để con tôi nói chủ nhà trọ trả lại tiền. Nghe vậy, con tôi đóng tiền nhưng rồi chẳng thấy ai xuống phun thuốc, báo lại chủ nhà trọ thì mới hay bị lừa. Mánh lừa này năm nào cũng được kẻ gian diễn lại để lừa các sinh viên mới chân ướt chân ráo về TPHCM trọ học”.
Những gói thông cầu mà chị Ngân bị lừa mua với giá “cắt cổ” Ảnh: THANH HẢI
Tương tự, cô sinh viên Nguyễn Song Ngân (quê Bình Thuận) ở nhà trọ gần Làng Đại học cũng mới bị lừa mua vài gói bột thông cầu dỏm với giá cắt cổ. Ngân kể: “Có hai người mặc đồng phục màu xanh, tự xưng là nhân viên môi trường đô thị, đến yêu cầu phải xử lý ngay việc đường cống nhà trọ đang bị nghẽn gây ô nhiễm khu dân cư. Chi phí mua thuốc và công nhân viên khử trùng tổng cộng là 1,2 triệu đồng. Họ buộc phải đóng ngay vì nếu không sẽ bị phạt do đóng trễ. Lo bị phạt nên em lo lắng, đóng tiền ngay, nhưng móc hết trong túi ra chỉ còn 800.000 đồng. Thấy vậy, họ bảo cứ đóng tạm ứng trước, rồi giao 5 bịch bột thông cầu và hẹn chút nữa nhân viên đến xử lý. Để tạo sự tin tưởng, họ còn cho số điện thoại để em gọi lại. Nhưng rồi chờ hoài mấy ngày vẫn không thấy ai đến, gọi điện thoại thì mới hay là số ma, không liên lạc được”.
Lừa sinh viên cần việc làm thêm
Ngoài thời gian học, nhiều sinh viên muốn tìm việc làm thêm để đỡ gánh nặng cho gia đình ở quê nhà. Các sinh viên năm nhất, mới từ quê vào TPHCM trọ học, do không quen biết nên thường tìm tới các trung tâm môi giới việc làm. Cùng với các trung tâm có uy tín, làm ăn tử tế, cũng có không ít trung tâm giới thiệu việc làm của kẻ gian lập ra chuyên lừa đảo tiền bạc của người cần việc làm. Anh Nguyễn Sơn phản ánh: “Em trai tôi đang học cao đẳng năm nhất ở quận Thủ Đức, có nhu cầu tìm việc làm thêm. Theo địa chỉ một tờ rơi ở trạm xe buýt, em tôi đã tìm đến một trung tâm giới thiệu việc trên đường Ngô Quyền (quận 9). Khá nhiều sinh viên cũng tìm tới đây và thủ tục đầu tiên là đóng 50.000 đồng mua hồ sơ xin việc, ghi hồ sơ nộp, rồi… đợi. Em tôi đợi 1 tuần, rồi đợi thêm nữa mà việc chẳng thấy hồi đáp. Trở lại đó năm lần bảy lượt mà chẳng có kết quả, nên ai cũng chán nản đành chấp nhận mất 50.000 đồng. Đó chắc chắn là một trung tâm lừa đảo vì không thấy sinh viên nào được giới thiệu việc làm. Mỗi người mất 50.000 đồng là nhỏ, nhưng mỗi tháng họ thu tiền của cả ngàn người thì số tiền lừa được cũng lớn lắm chứ. Nghĩ mà ức!”.
Cũng liên hệ nhầm một trung tâm môi giới việc làm “ma” - do thông tin từ tờ quảng cáo dán ở trụ điện, cô Huệ, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bị mất 300.000 đồng tiền đặt cọc và 10 ngày làm mướn không công. Huệ cũng được giới thiệu đi làm hẳn hoi, nhưng rồi không được nhận sau 10 ngày thử việc. Trong hợp đồng thử việc có ghi: “Nếu bị thôi việc sau 10 ngày thử việc, sẽ bị trừ đi 50% số tiền đặt cọc”, do vậy Huệ phải chấp nhận mất 150.000 đồng và tới trung tâm đòi lại số tiền đặt cọc còn lại. Thế nhưng, lúc thì trung tâm nói thủ quỹ bận không thể ra tiếp, khi thì lại bảo thủ quỹ đi vắng nên cô vẫn chưa lấy được tiền… Huệ bức xúc khẳng định: “Em làm rất chăm chỉ, không vi phạm gì, thế mà vẫn bị đuổi. Cũng không thấy ai khác được nhận sau thời gian thử việc. Chắc chắn nơi giới thiệu việc làm này và nơi nhận lao động cấu kết với nhau, sau thời gian thử việc sẽ không nhận để nơi cần người không phải trả lương cho thời gian thử việc, mà trung tâm cũng được một nửa số tiền đặt cọc”.
Những chiêu lừa sinh viên như vậy đã quá cũ rồi, vậy mà mỗi năm vẫn có thêm rất nhiều sinh viên bị lừa với chiêu quen thuộc này. Mới vào đời, về TPHCM còn lạ lẫm, nhiều sinh viên vẫn chưa được trang bị kỹ năng sống và cảnh giác với cạm bẫy. Thiết nghĩ, các trường đại học, cao đẳng khi đón tân sinh viên nên chú ý hướng dẫn, cảnh báo những chiêu thức lừa đảo để sinh viên phòng tránh và kịp thời cảnh giác báo công an địa phương bắt giữ những kẻ lừa đảo này.
THANH HẢI - THANH SƠN