Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu nhưng khi đề xuất chính thức, Chính phủ nên có đánh giá tác động cụ thể của việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với kinh tế - xã hội, bao gồm nhiều khía cạnh như giải bài toán việc làm cho lao động trẻ, khả năng cân đối và ổn định quỹ bảo hiểm, năng suất lao động và hiệu quả, quyền lợi của người lao động, số lượng đối tượng đóng và thụ hưởng…
Lao động trẻ lo khó kiếm việc
Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động và cán bộ công nhân viên chức gần đây lại được làm nóng trở lại, vì vậy tiếp tục làm người lao động không khỏi băn khoăn lo lắng vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích, chính sách bảo hiểm xã hội của mỗi lao động mà còn tác động tới cả nền kinh tế - xã hội…
Theo bày tỏ của nhiều lao động, nếu tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc phải tăng thời gian và tiền đóng bảo hiểm xã hội. Phần lớn giới trẻ cho rằng, nếu tăng thêm tuổi nghỉ hưu thì sẽ kéo dài thời gian “tại vị” của nhiều cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước hoặc các vị trí trong cơ cấu nhân sự của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… dẫn tới nguy cơ giới trẻ càng thêm khó kiếm việc làm so với hiện nay.
Người dân nhận lương hưu tại Bưu điện Trung tâm thị trấn Nhà Bè,TPHCM. Ảnh minh họa: Mạnh Hòa
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân (phụ trách lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm) khẳng định, sở dĩ phải đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì Việt Nam hiện nay đang có xu thế già hóa dân số, đặc biệt là sự bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn (để đảm bảo quyền lợi của con em tương lai). Chính sách lao động của ta hiện nay đang có bất cập là tuổi thọ trung bình tăng (theo tính toán là 73 tuổi), nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân rất sớm (chỉ 52 - 54 tuổi), thời gian đóng ít nhưng thời gian hưởng lương hưu lại nhiều dẫn đến nguy cơ gây mất cân bằng quỹ.
Mặc dù vậy, bài toán giải quyết việc làm, nguy cơ thất nghiệp gia tăng của lao động trẻ vẫn làm nhiều người chưa thể an tâm. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ lo ngại về con số thống kê 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có tới 191.000 cử nhân ra trường nhưng bị thất nghiệp và để giải quyết việc làm cho số lao động trẻ này cũng là vấn đề nóng bỏng. Ông khẳng định, thực ra tăng tuổi nghỉ hưu hiện mới chỉ là đề xuất để bàn bạc, tính toán… nhưng đây sẽ là chính sách tất yếu để “đón đầu” về an sinh xã hội trong tương lai. Điều quan trọng là cần phải có lộ trình thích hợp, chứ như ở Pháp khi đưa ra áp dụng ngay là bị người dân phản ứng. Theo ông, nếu Chính phủ đồng ý điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc, “đóng - hưởng” thì cũng sẽ phải điều chỉnh mức lương hưu cho người lao động khi nghỉ hưu, các đối tượng chính sách và sẽ liên quan tới nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác nữa chứ không đơn giản. “Vì vậy Chính phủ cần phải đánh giá tác động kinh tế một cách chi tiết, cụ thể khi có quyết định tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị.
Bản thân Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khá băn khoăn trước nhiều tâm tư, ý kiến trái chiều của người lao động. Phần lớn lao động bày tỏ nguyện vọng được nghỉ hưu theo chính sách như hiện hành nhưng cũng có không ít người muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu để được làm việc, giữ chân trong các cơ quan nhà nước; bản thân các nhà hoạch định chính sách lại thấy cần điều chỉnh để đảm bảo sự bền vững quỹ bảo hiểm, thay vì nguồn hỗ trợ phụ thuộc quá nhiều vào túi tiền ngân sách nhà nước như hiện nay… Vì vậy, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì Chính phủ cần xác định rõ “3 tăng”: chỉ tăng đối tượng nào, tăng lên bao nhiêu và tăng vào thời gian nào? Theo ông, nếu điều chỉnh thì các đối tượng lao động thuộc diện làm việc trong môi trường nặng nhọc độc hại, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa chưa nên đề cập, tức vẫn giữ nguyên như quy định cũ. Có chăng chỉ quy định tăng với các đối tượng cho phép nhưng cũng cần phải tính toán đảm bảo sức khỏe của họ.
Công chức nhà nước 60 tuổi thì phải rời ghế
Trước nguy cơ mà rất nhiều người băn khoăn, lo lắng là có không ít đối tượng cán bộ công chức sẽ “thừa hưởng” chính sách này để kéo dài thêm thời gian “tại vị”, “giữ ghế” song hiệu quả làm việc kém, gia tăng bộ máy cồng kềnh, cung cách làm việc quan liêu… ông Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn đề nghị cần phải tách biệt rõ tuổi đời và tuổi nghề trong quy định về hưởng lương hưu, thời gian làm việc. “Đối với cán bộ công chức, viên chức chỉ nên chốt tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi. Nếu còn năng lực, sức khỏe thì về đi làm ngoài, nhiều người vẫn có thu nhập cao, có người làm việc tới tận hơn 70 tuổi”, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.
Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có các quy định thoáng hơn cho người lao động khi điều chỉnh theo chính sách mới. Chẳng hạn đối với cán bộ công chức (trừ các trường hợp Đảng và Nhà nước yêu cầu), vẫn quy định nâng tuổi hưởng lương hưu lên mức như các đối tượng lao động khác nhưng hết 60 tuổi không được giữ chức vụ lãnh đạo, không được lĩnh lương hưu ở tuổi 60 mà tiếp tục đóng vào quỹ cho đến khi đủ tuổi hưu để có mức lương hưu cao hơn. Trường hợp người lao động muốn nghỉ sớm hơn quy định thì có thể đóng bảo hiểm trước 5 năm để nghỉ, về hưu vẫn có lương cao, không phải dựa vào con cái.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng khẳng định, Chính phủ sẽ đề xuất lựa chọn đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu chứ không phải toàn bộ người lao động và hiện chưa chốt phương án nhưng các đề xuất là nam tăng từ 60 như hiện nay lên 62 tuổi, còn nữ từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi. Về vấn đề sinh viên ra trường đang bị thất nghiệp nhiều, Thứ trưởng Bộ LĐTH-XH cho rằng, không phải do chính sách tăng tuổi nghỉ hưu mà sinh viên sẽ khó có việc làm, vấn đề quan trọng là cần xem lại chính sách đào tạo đúng người đúng việc, chất lượng đào tạo cũng như chính sách phát triển kinh tế - xã hội để tạo việc làm, tận dụng được lao động trẻ.
Còn theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình. Để sửa được Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các luật có liên quan thì phải chờ sửa Bộ luật Lao động.
VĂN PHÚC