Chính phủ điện tử tại TPHCM:Thực trạng và triển vọng

Cấp phép trực tuyến
Chính phủ điện tử tại TPHCM:Thực trạng và triển vọng

Với khối lượng công việc khổng lồ và ngày càng tăng lên theo sự phát triển của kinh tế và gia tăng của dân số, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước là nhu cầu bức thiết, đặc biệt là đối với TP lớn như TPHCM. Nhân hội nghị chuyên đề “Chính phủ điện tử Việt Nam: Sẵn sàng cho một giai đoạn mới”, chúng tôi giới thiệu bài viết của Tiến sĩ-Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM Lê Mạnh Hà toàn cảnh chính phủ điện tử tại TPHCM.

Kết quả từ đột phá

TPHCM là đơn vị có chỉ số sẵn sàng CNTT xếp hạng nhất trong các tỉnh, thành và cũng đi đầu trong xây dựng chính phủ điện tử. Kết quả này đạt được từ quyết tâm của lãnh đạo TP, từ cách làm đột phá và từ sự phát triển của hạ tầng viễn thông, internet.

Chính phủ điện tử tại TPHCM:Thực trạng và triển vọng ảnh 1

Tại hội nghị chuyên đề Chính phủ điện tử, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào ngân hàng. Ảnh: P.N.

Tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, hạ tầng viễn thông và internet phát triển mạnh những năm vừa qua đã tạo điều kiện rất tốt cho xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT). Tính đến tháng 10-2007, TPHCM có 8,6 thuê bao điện thoại, trong đó có 1,6 triệu điện thoại cố định, 7 triệu điện thoại di động, chiếm 25% của cả nước. Internet băng thông rộng cũng phát triển rất ấn tượng, từ 5.000 thuê bao ADSL năm 2003 đến nay đạt gần 400.000, tăng 80 lần trong 5 năm và chiếm 50% số thuê bao ADSL cả nước.

TPHCM đã đưa CNTT vào cơ quan nhà nước từ rất sớm. Ngay từ những năm 1998-2001, Sở Kế hoạch-Đầu tư, UBND quận 1 đã tin học hóa thành công một số công việc. Những năm sau đó TP cũng đã có nhiều chương trình, dự án ứng dụng CNTT. Đặc biệt từ 2005 đến nay CPĐT được xây dựng một cách chuyên nghiệp hơn với bộ máy chuyên nghiệp, mục tiêu rõ ràng, kế hoạch trọng tâm và triển khai bài bản. TPHCM đã xác định mục đích của CPĐT là phục vụ người dân; giúp cơ quan quản lý xử lý thông tin nhanh, nhiều và chính xác; công khai, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước. Là công cụ, đồng thời là nội dung của cải cách hành chính. Các lĩnh vực cần tập trung thực hiện trước là: đất đai-xây dựng, đăng ký kinh doanh và tạo môi trường làm việc điện tử.

Trong khi chưa có kiến trúc CNTT ở tầm quốc gia, TPHCM đã chủ động xây dựng kiến trúc CNTT của mình và lập kế hoạch đầu tư xây dựng chính phủ theo kiến trúc này. Việc đầu tư được thực hiện trước tiên ở cấp quận-huyện nơi phục vụ người dân nhiều nhất, trực tiếp nhất và có khối lượng thông tin cần xử lý nhiều nhất. TP đã đúc kết các kết quả của giai đoạn tự phát trước đó để xây dựng mô hình hệ thống thông tin cấp quận. Năm 2005, TP đã triển khai thí điểm tại một số quận, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh mô hình rồi nhân rộng. Cách làm xây dựng mô hình, triển khai thí điểm rồi nhân rộng đã giảm được rủi ro, giảm được kinh phí và tăng tốc độ triển khai.

Cung cấp thông tin trực tuyến

Đến nay Hochiminh Cityweb đã được Alexa.com xếp hạng 5.134 trong số các trang web được truy cập nhiều nhất. Ngoài trang web chung rất nổi tiếng, TP đã có 66 website của sở ngành, quận huyện được liên kết với Hochiminh Cityweb. Các trang web này cung cấp thông tin kinh tế-xã hội của TP, của từng đơn vị, giới thiệu các quy trình quản lý Nhà nước như đóng thuế, hoàn thuế, đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, thành lập bệnh viện tư nhân, giới thiệu các lô đất được chào bán đấu giá, giá đất tại mỗi con đường của TP. Những trang web này không chỉ cung cấp thông tin mà còn tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp và trả lời nhanh chóng, kịp thời; ngoài ra còn có một trang web dành riêng để đối thoại với doanh nghiệp và đang hoạt động có hiệu quả.

Tiến lên một bước cao hơn, TP cũng đã xây dựng “một cửa điện tử” cung cấp thông tin một cách tự động và trực tuyến về tình trạng giải quyết hồ sơ cấp phép trong kinh doanh, lao động và văn hóa. Người dân có thể dùng phương tiện liên lạc thông dụng nhất hiện nay là điện thoại để được trả lời tự động về tình trạng hồ sơ bằng thoại, tin nhắn qua “một cửa điện tử”. “Một cửa điện tử” là công cụ hữu hiệu để người dân và lãnh đạo giám sát các dịch vụ công. Đến nay đã có 19 quận, huyện tham gia hệ thống “một cửa điện tử”. Các báo cáo được cung cấp bởi “một cửa điện tử” là trung thực nhất, vì được thực hiện hoàn toàn tự động và không thể bị thay đổi. Ngoài việc truy cập website và sử dụng điện thoại qua hệ thống một cửa điện tử, người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp tại các quận huyện, sở ngành qua các hệ thống mã vạch hoặc kiosk với màn hình cảm ứng.

Như vậy người dân được cung cấp thông tin ở mọi nơi, mọi lúc qua các phương tiện thông dụng và hiện đại nhất.

Cấp phép trực tuyến

TPHCM là đơn vị đi đầu trong cấp phép trực tuyến. Cấp giấy phép qua mạng đối với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép thành lập văn phòng đại diện. Hàng năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trên 50% doanh nghiệp đăng ký trực tuyến. Hình thức phục vụ này đã giảm thời gian chờ đợi, đi lại của người dân; giảm được áp lực lên cơ quan cấp phép, giảm áp lực lên giao thông.

Hiện nay các quận, huyện cấp 52 loại giấy phép thì đã có 50 loại thuộc 6 lĩnh vực được ứng dụng CNTT. Một số loại giấy phép trong lĩnh vực đất đai-xây dựng đã được thực hiện trên cơ sở ứng dụng GIS. Ở cấp TP gần 90 quy trình cấp phép đã được ứng dụng CNTT tại các Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Thương mại, Sở Văn hóa-Thông tin, Sở Khoa học-Công nghệ, Ban Quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp, Sở Tư pháp.

Lần đầu tiên trong cả nước, TP đã tích hợp thông tin từ các quận huyện lên “một cửa điện tử”. Để phục vụ cho việc truyền khối lượng lớn dữ liệu với tốc độ nhanh, TP đã triển khai mạng Metronet kết nối giữa các quận-huyện và sở ngành. Đây cũng là mạng Metronet đầu tiên của cả nước do Bưu điện TP xây dựng. TP cũng đã xây dựng thí điểm trung tâm chứng thực chữ ký số tại Sở BCVT, là trung tâm đầu tiên của phía Nam. Việc sử dụng chữ ký số đã được triển khai có hiệu quả tại Sở BCVT. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, doanh nghiệp và dân cư đã được hình thành trong quá trình hoạt động của các hệ thống thông tin. Các cơ sở dữ liệu này được cập nhật hoàn toàn tự động trong quá trình xử lý thông tin, xử lý hồ sơ.

TP quyết tâm xây dựng CPĐT nhằm cung cấp dịch vụ hành chính công tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân, giúp nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Nhiệm vụ tới đây sẽ tập trung vào các công tác: ứng dụng CNTT cho tất cả các quy trình cấp phép và cấp giấy phép trực tuyến khi đảm bảo các điều kiện về pháp lý; thực hiện mua sắm, đấu thầu qua mạng đối với các cơ quan nhà nước; tạo luồng thông tin tự động giữa các hệ thống thông tin của các sở-ngành, quận huyện; hoàn thiện mạng truyền dẫn tốc độ cao; xây dựng trung tâm dữ liệu cấp TP; nâng cấp trung tâm chứng thực chữ ký số; trở thành một bộ phận trong cấu trúc CNTT quốc gia, tích hợp thông tin cung cấp cho chính phủ. 

LÊ MẠNH HÀ
(Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM)

Tin cùng chuyên mục