Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân:
Sau khi loạt bài “Chính quyền đô thị - Đột phá để phát triển” của Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân (ảnh) đã dành cho báo một cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh những vấn đề báo đặt ra.
Làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chính quyền đô thị
° PV: Tham dự các hội nghị lấy ý kiến góp ý cho “Đề án thí điểm Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh” liên tục thời gian qua, đồng chí nhận xét như thế nào về những góp ý?
° Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Liên tiếp thời gian qua, Thường trực Thành ủy, Đảng Đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố, Đảng Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe ý kiến của các cán bộ cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn thành phố, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia của Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật, Liên hiệp Các tổ chức văn học - nghệ thuật thành phố, lãnh đạo các quận - huyện, sở - ban - ngành... Các ý kiến đóng góp phong phú, đầy tâm huyết và xác đáng từ thực tiễn ở cơ sở đều được ghi nhận để góp phần hoàn chỉnh Đề án thí điểm xây dựng mô hình Chính quyền đô thị của thành phố Hồ Chí Minh. Ban soạn thảo đề án đã tiếp thu rất cầu thị, nghiêm túc và trong quá trình lấy ý kiến đã bổ sung ngay những vấn đề nhiều người quan tâm, góp ý như bổ sung phần 4 về “Tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong mô hình Chính quyền đô thị”, bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện mô hình Chính quyền đô thị.
° Chương vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chính quyền đô thị được nhiều đại biểu góp ý còn đơn giản, chưa sâu. Ban soạn thảo đã khắc phục điểm này ra sao, thưa đồng chí?
° Như tôi đã nói trên, với tinh thần lắng nghe các ý kiến góp ý, ban soạn thảo đề án đã bổ sung, làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chính quyền đô thị. Quá trình chuẩn bị, trình, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án phải luôn đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, trong đó có tổ chức chính quyền thành phố nói riêng.
Cụ thể, đối với địa bàn đã đô thị hóa gồm 13 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) với 192 phường thì tổ chức đảng duy trì quận ủy, đảng ủy phường như hiện nay. Đối với địa bàn đang đô thị hóa gồm 6 quận (2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) và 2 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn) với 67 phường, 23 xã và 2 thị trấn thì tổ chức đảng cấp thành phố trực thuộc (hoặc thị xã) là Thành ủy (hoặc thị ủy). Thành ủy (hoặc thị ủy) có đối tượng lãnh đạo là tất cả các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc trên địa bàn dân cư, trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập, các lực lượng vũ trang…
Tổ chức đảng cấp phường là đảng ủy cơ sở, có đối tượng lãnh đạo là các chi bộ trực thuộc địa bàn dân cư (khu phố, tổ dân phố), trường học, doanh nghiệp, các bộ phận chuyên môn trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể… Tương tự, đối với địa bàn nông thôn trong đô thị gồm 3 huyện (Cần Giờ, Củ Chi và phần còn lại của huyện Bình Chánh) với 35 xã, 3 thị trấn thì tổ chức đảng cấp huyện là huyện ủy và tổ chức đảng cấp xã, thị trấn là đảng ủy cơ sở xã, thị trấn với chức năng, nhiệm vụ như hiện hành.
Không làm mất đi quyền làm chủ của dân
° Thưa đồng chí, theo đề án, sẽ không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, huyện, phường. Từ thực tiễn việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, huyện, phường tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, làm thế nào để tuy không có Hội đồng Nhân dân ở những nơi này nhưng vẫn đảm bảo người dân được thuận tiện phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình?
° Do đặc thù của đô thị đặc biệt, địa giới hành chính hẹp, dân cư đông, trong mỗi thời kỳ phát triển của thành phố, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi yêu cầu giải quyết công việc phải nhanh hơn. Vì vậy, thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường chính là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương để chính quyền địa phương phục vụ tốt hơn, có trách nhiệm hơn với người dân địa phương. Đây là chủ trương phù hợp trong tiến trình cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương. Không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, không sợ người dân mất quyền dân chủ, mất người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Người dân thành phố vẫn có đại diện là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, đại diện cho mình, giám sát và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường là tinh giản một bộ phận tổ chức trong bộ máy chính quyền địa phương không làm mất đi quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, không làm yếu đi chính quyền của nhân dân. Ngược lại, còn làm cho chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đối với hoạt động giám sát cũng vậy, theo đề án, không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường thì thẩm quyền, nhiệm vụ và hoạt động giám sát vẫn được đảm bảo bằng cách tăng cường thẩm quyền giám sát cho đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, cho Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, giám sát nhân dân của Mặt trận; của các đoàn thể nhân dân và giám sát trực tiếp của người dân, giám sát của các phóng viên báo, đài và đặc biệt là giám sát, kiểm tra của các cấp ủy, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính cấp trên, của các cơ quan kiểm toán độc lập...
Phục vụ dân tốt hơn
° Để xây dựng được chính quyền đô thị, đòi hỏi phải có được con người tương xứng. Tuy nhiên, trong đề án chưa có phần nói đến vấn đề nhân sự (quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, tuyển chọn và đào tạo...). Theo đồng chí, có nên bổ sung phần này?
° Mô hình Chính quyền đô thị hình thành phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của công tác quản lý như quy định của pháp luật hiện hành. Chính quyền đô thị đòi hỏi công tác quản lý phải được thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, tính phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực và phải thật sự chuyên nghiệp. Từ những yêu cầu khách quan, bộ máy phải đáp ứng các đòi hỏi đặt ra theo yêu cầu của đối tượng quản lý, lấy người dân làm trung tâm, chất lượng dịch vụ công là thước đo hiệu quả quản lý và dân chủ được phát huy cao độ.
Với ý nghĩa đó, Chính quyền đô thị phải được phục vụ bởi đội ngũ công chức được tuyển chọn cạnh tranh, lấy năng lực và kết quả công việc làm thước đo để tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm (dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng cơ chế, chính sách phù hợp), bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Đương nhiên đề án cụ thể sẽ có phần nội dung này.
° “Người dân được gì từ mô hình quản lý của Chính quyền đô thị” - Câu hỏi này đã được rất nhiều đại biểu đặt ra qua các hội nghị góp ý, đồng chí có thể nói cụ thể hơn về điều này?
° Bản chất của chính quyền là phục vụ người dân. Mô hình Chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ người dân tốt hơn. Việc triển khai mô hình, thiết kế bộ máy sẽ theo hướng phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, của người đứng đầu, do đó giảm bớt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bộ máy hành chính sau khi giảm đầu mối, tinh gọn sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Do cải cách dẫn đến ít tầng nấc trung gian, các bộ phận giải quyết công vụ đến gần dân hơn, chuyên nghiệp hơn và đi đôi với thủ tục thông thoáng chắc chắn sẽ giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong mối quan hệ với chính quyền. Đồng thời, mọi người với ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đồng hành, chia sẻ, góp sức cùng chính quyền thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ góp phần tích cực xây dựng chính quyền đô thị thật sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân.
>>Đảm bảo mô hình chuẩn và chất
>>Nhận diện chính quyền đô thị
HỒNG HIỆP - VÂN ANH - ÁI CHÂN