Nhận diện chính quyền đô thị

Tạo ra đổi mới lớn
Nhận diện chính quyền đô thị

Chính quyền đô thị TPHCM – Đột phá để phát triển

Trong khi mô hình tổ chức như hiện nay đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị thì chính quyền đô thị (CQĐT) được kỳ vọng sẽ giải quyết được những hạn chế, bất cập và “cởi trói” để TPHCM phát triển. Là thành viên nhóm biên tập dự thảo đề án CQĐT, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng, một trong những điểm nhấn quan trọng mà mô hình sẽ mang lại là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Nhân viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sở TN-MT TPHCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: Kim Ngân

Nhân viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sở TN-MT TPHCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhà đất. Ảnh: Kim Ngân

Tạo ra đổi mới lớn

Theo TS Trần Du Lịch, Đề án CQĐT sẽ tạo ra những đổi mới lớn, mà điểm đột phá đầu tiên là TPHCM (bao gồm cả khu vực nông thôn và đô thị) được tổ chức thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm. Trong đó, chính quyền TP (trực thuộc Trung ương) có HĐND và UBND. Chính quyền TP vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị (quản lý) của 13 quận nội thành. Tại 13 quận nội thành sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP và được gọi tên dưới hình thức là ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận (hoặc quận trưởng) do Chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm. Tương tự, dưới quận có đơn vị hành chính phường và tại mỗi phường cũng tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính phường (hoặc phường trưởng) do chủ tịch ủy ban hành chính quận bổ nhiệm và bãi hoặc miễn nhiệm.

Với khu vực còn lại sẽ hình thành chính quyền 4 đô thị (4 TP trong TP). Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TPHCM và có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Chính quyền 4 TP được lập có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp. Các đô thị này được tạm gọi tên là các TP Đông, Tây, Nam, Bắc và UBND cấp này do HĐND cùng cấp bầu, UBND TP phê chuẩn. Người đứng đầu UBND 4 TP là chủ tịch hoặc thị trưởng, có ngạch bậc tương đương với phó chủ tịch UBND TP. Với đề án này, các sở ngành cũng sẽ thực quyền hơn. Giám đốc sở sẽ được Chủ tịch UBND TP giao chức năng, thẩm quyền và tổ chức bộ máy để thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch UBND TP thực hiện việc bổ nhiệm giám đốc sở - ngành và miễn nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Theo phương thức này, giám đốc sở - ngành có thực quyền đồng thời chịu trách nhiệm cuối cùng về lĩnh vực phụ trách, chứ không phải đóng vai trò tham mưu như trước đây.

Mở rộng thẩm quyền của đại biểu HĐND

Theo TS Trần Du Lịch, do mô hình này hướng tới lấy lợi ích của dân là chính, bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ nên HĐND ở các đô thị có tính trách nhiệm rất cao trong việc đưa ra quyết sách, giám sát thực thi. HĐND có quyền tự chủ theo phân cấp để thực sự là cơ quan có quyền quyết định cao nhất các vấn đề kinh tế, ngân sách, văn hóa - xã hội và đô thị thuộc thẩm quyền của địa phương, nâng cao vai trò giám sát đối với cơ quan hành chính địa phương cùng cấp. Thẩm quyền của các đại biểu HĐND TP được mở rộng theo hướng thực quyền và có tính chuyên nghiệp cao. Số lượng đại biểu HĐND sẽ tăng tối thiểu 150 người (hiện nay là 95), trong đó tăng số đại biểu chuyên trách tối thiểu bằng 1/3 tổng số đại biểu để mỗi quận, huyện có ít nhất 1 đại biểu chuyên trách.

Đối với CQĐT tại các TP trực thuộc (hoặc thị xã), Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho biết, HĐND TP trực thuộc (thị xã) được tổ chức gọn hơn HĐND cấp huyện theo quy định hiện hành nhưng chuyên nghiệp hơn. Lợi ích của người dân trên địa bàn chủ yếu được thực hiện tại HĐND cùng cấp. Ngân sách của chính quyền các TP trực thuộc độc lập với ngân sách chính quyền cấp TPHCM do HĐND quyết định dựa trên sự phân cấp của TPHCM. Chủ tịch UBND TP trực thuộc (hoặc thị trưởng) không nhất thiết phải là đại biểu HĐND cùng cấp.

Đặt lợi ích của dân lên cao

Nếu đề án được triển khai, quận 2 hiện nay sẽ nằm trong TP Đông. Theo Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Văn Hiếu, cái dễ thấy nhất chính là bộ máy sẽ được tinh gọn tối đa, cải cách hành chính sẽ triệt để hơn. Nhiều thủ tục hành chính sẽ được giao dứt điểm cho một cấp chính quyền, hạn chế tối đa hiện tượng cùng một hồ sơ phải chuyển qua nhiều cấp như hiện nay. Khi đó, công dân các khu vực thuộc 4 TP thì sẽ nộp và nhận lại hồ sơ từ chính quyền TP vệ tinh hoặc nộp và nhận lại hồ sơ tại chính quyền TP; công dân 13 quận nội thành thì chỉ nộp mọi loại hồ sơ tại một cơ quan duy nhất là chính quyền TP. Còn GS-TS Nguyễn Thị Cành (ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) cho rằng việc xây dựng CQĐT ở TPHCM sẽ “giải” triệt để bài toán cắt khúc đang gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý hiện nay. “Nếu CQĐT được áp dụng thì sẽ bớt nhiều đầu mối, chỉ còn một đầu mối là TP với cách quản lý thông suốt giúp giảm thời gian chờ đợi cho người dân rất nhiều”, GS-TS Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh.

Cái đích cuối cùng là mọi sửa đổi phải đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất và điều quan trọng là đồng bộ với việc sửa đổi mô hình phải làm sao tuyển chọn được những cán bộ công chức có chất lượng và đạo đức tốt hơn. Cùng với đó phải có những biện pháp, những chính sách kèm theo để việc sửa đổi mô hình đạt hiệu quả cao hơn. Nếu làm được như vậy người dân sẽ rất hài lòng - ông Đặng Văn Khoa nhấn mạnh.

Các bước thực hiện

- Bước 1: Chính phủ trình QH để QH có nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm.

- Bước 2: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập ban chỉ đạo, quán triệt nghị quyết của QH đến tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị TP, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhân sự, dự toán ngân sách cho việc triển khai đề án.

- Bước 3: Vào thời điểm bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành triển khai áp dụng mô hình mới.

HỒNG HIỆP - VÂN ANH - ÁI CHÂN

- Bài 1: Đổi mới - yêu cầu bức thiết


Xây dựng chính quyền đô thị - Đòi hỏi từ thực tế khách quan

(SGGP).- Ngày 26-8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức hội nghị đại biểu HĐND TP góp ý đề án chính quyền đô thị.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Tùng đề nghị cần phải có sự chung tay của các bộ ngành ngay trong quá trình xây dựng đề án. Đừng để TP “tự bơi” với việc xây dựng đề án chính quyền đô thị. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Trọng Dũng đề nghị cần có Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng chính quyền đô thị, ít nhất có một ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng ban; thành viên Ban chỉ đạo ngoài lãnh đạo TPHCM phải có lãnh đạo tất cả các bộ ngành liên quan.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, đây là vấn đề mới nên cũng rất cần sự giúp đỡ của Trung ương và các bộ ngành. “TPHCM vẫn là một bộ phận của đất nước, vẫn nằm trong thể chế chính trị của đất nước, chứ không phải mình làm cái này (chính quyền đô thị - PV) để thoát ly như có người từng nói. TP đề xuất mô hình chính quyền đô thị xuất phát từ thực tiễn đặc thù, từ nhu cầu phát triển của TP. Nếu có mô hình, cơ chế phù hợp để phát triển mạnh hơn nữa thì TP sẽ đóng góp cho ngân sách cả nước nhiều hơn nữa, cùng cả nước đi lên. Sắp tới TP sẽ có báo cáo, xin ý kiến các bộ ngành Trung ương để hoàn chỉnh đề án”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu HĐND TP về đề án Chính quyền đô thị. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu HĐND TP về đề án Chính quyền đô thị. Ảnh: Việt Dũng

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm thay mặt ban soạn thảo giải trình thêm về mức độ tác động khi thực hiện đề án chính quyền đô thị mà một số đại biểu còn băn khoăn. Về ngắn hạn, ông Trương Văn Lắm cho biết, thực hiện chính quyền đô thị sẽ có các tác động, xáo trộn do phải tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính; các hiện tượng tiêu cực xuất hiện do việc đón đầu các ảnh hưởng; sự bất tiện ban đầu của người dân do phải thích nghi với các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, về địa giới hành chính và những quy định về chính sách…; các chi phí phát sinh từ điều chỉnh bộ máy tổ chức chính quyền, tổ chức lại địa giới…

Về tác động xã hội, ông Lắm khẳng định mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ dân tốt hơn. Tuy nhiên, ông Lắm cũng cho biết, nếu một số đề xuất về các khoản thu và điều tiết đặc thù đối với đô thị lớn như TPHCM được chấp nhận, có khả năng người dân sinh sống trên địa bàn TP sẽ phải tăng các khoản đóng góp hợp lý (phí, lệ phí, một số sắc thuế liên quan đến bất động sản), nhưng ngược lại người dân sẽ được hưởng dịch vụ công ích của đô thị tốt hơn. Tác động của việc thực hiện chính quyền đô thị cần được xem xét trong dài hạn. Các trở ngại trong ngắn hạn và các đối tượng chịu ảnh hưởng cũng cần được nhận diện nhằm hướng đến các chiến lược chuẩn bị phù hợp”, ông Lắm nói thêm.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho biết, đề án đã bỏ tên gọi thị trưởng đối với người đứng đầu 4 TP (nội dung đề án tạm đặt tên là các TP Đông, Tây, Nam, Bắc) trực thuộc chính quyền TPHCM. Nếu cấp chính quyền nào có tổ chức HĐND thì người đứng đầu chính quyền được gọi là Chủ tịch UBND; cấp chính quyền không có tổ chức HĐND thì người đứng đầu được gọi là Chủ tịch Ủy ban hành chính.

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục